Quân nhân NATO đến Ukraine huấn luyện 'tự chịu rủi ro'?

Quân nhân NATO đến Ukraine huấn luyện 'tự chịu rủi ro'?

22/05/2024 15:05 GMT+7

Thủ tướng Kaja Kallas khẳng định việc đưa quân nhân NATO đến tổ chức huấn luyện ngay tại Ukraine cho binh sĩ nước này sẽ không dẫn đến leo thang đối đầu giữa khối quân sự do Mỹ đứng đầu và Nga.

Tờ Financial Times dẫn lời Thủ tướng Estonia Kaja Kallas hôm 20.5 cho biết quân nhân từ một số quốc gia thành viên NATO đang huấn luyện binh sĩ Ukraine tại nước này. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh điều này sẽ không dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga vì các quân nhân NATO "đang tự chịu rủi ro" khi làm việc ở Ukraine.

Bà Kallas là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, và chỉ trích các chính trị gia phương Tây do dự trong việc tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.

Quân nhân NATO đến Ukraine huấn luyện 'tự chịu rủi ro'?- Ảnh 1.

Quân nhân Ukraine tuần tra một khu vực bị thiệt hại nặng nề do các cuộc tấn công của quân đội Nga tại thị trấn Orikhiv thuộc vùng Zaporizhzhia hôm 20.5

REUTERS

Bà cho rằng việc triển khai các chuyên gia huấn luyện NATO đến Ukraine sẽ không dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga vì trên thực tế, những quân nhân này không nằm trong điều khoản bảo vệ lẫn nhau theo Điều 5 của liên minh quân sự này.

Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, bà giải thích: “Tôi không thể tưởng tượng được rằng nếu có ai đó bị thương ở Ukraine, thì những nơi đã cử người sẽ nói ‘Phải áp dụng Điều 5. Hãy… ném bom nước Nga'. Chuyện đó không phải vậy. Không tự động áp dụng được".

Bà nói thêm rằng “nếu cử người của mình đến giúp đỡ người Ukraine… bạn biết đất nước đang có chiến tranh và bạn sẽ đi đến vùng nguy hiểm. Vì vậy, bạn phải chấp nhận rủi ro".

NATO đã tổ chức nhiều khóa huấn luyện cho binh sĩ Ukraine trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên bao gồm Anh, Đức và Ba Lan. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc huấn luyện ngay trên đất Ukraine sẽ nhanh chóng và đơn giản hơn về yếu tố hậu cần.

Các quan chức phương Tây trước đó thừa nhận sự hiện diện của một số quân nhân ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào năm 2022, nhưng không công khai xác nhận rằng họ đang huấn luyện lực lượng Kyiv.

Bà Kallas cũng đứng về phía Tổng thống Pháp Emmanual Macron, người cho rằng không thể loại trừ việc triển khai chính thức quân đội NATO tới Ukraine để ngăn cản chiến thắng của Nga trong cuộc xung đột. Ông tuyên bố rằng chính sách này khiến Moscow phải không ngừng phán đoán về ý định của khối.

Sau phát biểu của Thủ tướng Estonia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bình luận rằng bà Kallas nên thông báo cho công chúng về những tổn thất trong sứ mệnh huấn luyện như vậy.

Tướng Charles Q. Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, ngày 20.5 cho biết hiện Mỹ không có kế hoạch đưa các chuyên gia huấn luyện vào Ukraine. Tướng Brown nói: "Một khi xung đột này kết thúc và chúng tôi ở một vị thế tốt hơn, tôi cho rằng chúng tôi sẽ có thể đưa các huấn luyện viên trở lại".

Mỹ có khoảng 150 huấn luyện viên quân sự ở Ukraine cho đến khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022.

Kyiv vừa ban bố một luật mới nhằm huy động thêm hàng trăm nghìn binh sĩ, bằng cách trấn áp mạnh hành vi trốn quân dịch, cho phép mộ binh từ các nhà tù và mở rộng điều kiện để huy động những người trước đây được cho là không hoàn toàn đủ sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.