Dù không phải là TP nổi tiếng về du lịch biển, vậy nhưng ở TP.HCM ốc là món ăn “đặc sản”. Không biết bằng cách nào đó mà những hàng ốc dù được bán ở vỉa hè, hay trong nhà hàng sang trọng với mức giá khác nhau đều có sức hấp dẫn đặc biệt.
Một số chuyên gia ẩm thực cũng từng đề cập, đến với TP.HCM, ngoài ăn bánh mì, cơm tấm, du khách nhất định nên thử ăn ốc một lần để tìm điểm khác biệt của ốc Sài Gòn với nơi khác.
“Thủ phủ” của ốc ở TP.HCM là Q.4, điều này ai cũng biết. Vậy nhưng có mâm ốc chỉ bán duy nhất một món ở chợ Bến Thành (Q.1) với mức giá cao ngút 120.000 đồng/lon vẫn hút khách dù đã bán được 60 năm, truyền qua 3 đời.
Bán ốc mua nhà Sài Gòn
Một buổi trưa oi bức đầu tháng 7, tôi ghé ngang mâm ốc dừa xào cay nức tiếng ở cửa Bắc chợ Bến Thành. Một người phụ nữ luống tuổi, hơi mập, đội nón, khẩu trang che kín mặt ngồi bên mâm ốc nhìn dòng xe qua lại.
Dù không phải là mâm ốc nóng hổi, nhưng màu sắc bắt mắt của từng hạt muối, bột ớt bọc bên ngoài những con ốc, xen kẽ vài trái ớt điểm tô cũng làm mâm ốc thêm sức hút.
|
Bà Thu chỉ nhớ được giai đoạn mẹ bà đã đứng bán chính thay bà ngoại, khi đó cứ 7 giờ sáng, 7 anh chị em của bà lại tất bật xếp dọn bàn ghế và ốc gạo, ốc đắng, ốc dừa, ghẹ, sò để bày ra bán. Tới 12 giờ là tất cả các loại đều hết sạch.
|
Bà Thu nhớ lại: “Thay vì là hàng ốc, lúc bấy giờ tôi và em gái quyết định chỉ bán ốc dừa xào cay và để trên chiếc mâm, ngồi gọn vào một góc vỉa hè để bán. Ốc dừa khá đặc biệt vì không phải ở đâu cũng có, hơn nữa, khách cũng thích món này hơn các loại khác nên dù chỉ còn một mâm ốc, cả nhà tôi vẫn đủ sống, nuôi mẹ và đứa em bị bệnh thần kinh”.
|
“Ngày xưa hàng ốc nhà tôi bán đắt lắm, khách ra vào liên tục nên chỉ bán tới 12 giờ trưa là hết sạch rồi. Cả nhà ra phụ bán mà chạy không kịp, nhờ chi tiêu tiết kiệm, mẹ tôi mới lo được cho gia đình và mua được nhà cửa”, bà Thu tâm sự.
120.000 đồng/lon ốc có quá đắt?
Khi không được bán ở cửa Bắc nữa, chị em bà Thu dời xéo sang bên kia đường, đặt mâm ốc trước số nhà 166 đường Lê Thánh Tôn. Chỗ ngồi khiêm tốn, nhưng mâm ốc của chị em bà Thu chưa ngày nào bị ế.
Khách đến với mâm ốc đa phần là khách quen. Có nhiều người đi nước ngoài định cư, mỗi lần về Việt Nam đều ghé đến để mua vài lon về ăn cho thỏa cơn thèm. Thậm chí, nhiều người khách quen chuyển đi Mỹ, Canada sinh sống vẫn thường nhờ người nhà đến mua một lần 5 – 10kg, cấp đông rồi gửi máy bay sang để ăn.
|
Theo bà Thu, ốc khi mua về bà sẽ ngâm nước lạnh để ốc nhả đất, sau đó đem luộc. Ốc chín, bà bắt đầu nêm nếm gia vị để xào gồm: muối, bột ngọt, ớt,… Khách bị cuốn hút bởi ăn ốc sẽ cảm nhận được mùi thơm thơm, beo béo của ốc dừa, khác hẳn với những loại ốc khác.
Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, giá ốc như vậy vẫn là khá cao và vẫn chưa vệ sinh lắm vì người bán không đeo bao tay khi đong ốc vào lon.
Ốc ‘đại gia’
Ông Nguyễn Văn Anh (61 tuổi, ngụ Q.1) – chạy xe ôm ở chợ Bến Thành cho biết, ông biết tới hàng ốc của chị em bà Thu từ đời mẹ của bà bán ở bên kia đường.
|
Hiện ông Anh là shipper riêng cho mâm ốc của chị em bà Thu, mỗi lần có ai đặt hàng qua điện thoại, chính ông sẽ là người đi giao. Ông nhận xét: “Người mua ốc của bà Thu toàn là đại gia không thôi, lần mua mấy triệu. Mới đây tôi giao ốc cho gia đình kia ở Phú Nhuận, một lần mua ốc 2 triệu mấy, còn nhà ở Hóc Môn thì mua cũng 2 triệu. Đi giao ốc mà tôi cũng hết hồn, nên gọi luôn là ốc đại gia, chứ không thì làm gì ai dám bỏ ra lần mấy triệu ăn ốc như vậy chứ”.
Bình luận (0)