Với quê hương
Bà Mai tự nhận mình sống một khoảng đời ẩn dật ở Mỹ, hơn 30 năm, quãng thời gian đủ dài để khiến hoa khôi một thời trở thành bà ngoại của hai đứa cháu. Khi bắt tay làm lại từ đầu ở cái tuổi không còn trẻ nữa, ở trên quê hương sau hơn 30 năm xa lìa, bà ngỡ ngàng với những thách thức. Nhất là trước đây, bà chưa từng trải qua công việc kinh doanh nào.
Đất nước mình thay đổi nhanh quá, từ lần đầu tiên tôi về quê đến nay đã tiến triển rất nhiều. Ở VN bây giờ còn nhiều cơ hội để đầu tư, kinh doanh. Tôi thấy, mọi người chào đón nồng nhiệt khi tôi kinh doanh ở đây, tôi được làm một cách thoải mái, bạn bè thì đông vui....
|
|
Bà Đặng Tuyết Mai |
Vượt qua những khó khăn, phu nhân của cựu Phó tổng thống chính quyền Sài Gòn giờ là một bà chủ quán phở bình dị tại TP.HCM. “Ở đâu cũng là xứ người, về VN là về đất mẹ. Tôi khao khát về đất mẹ. Nhưng về thì phải làm việc để sống. Cơ duyên cho tôi gặp đối tác mở quán phở”, bà Mai lý giải cho sự ra đời của quán Phở Ta.
Có một động lực vô hình nào đó đã làm cho tinh thần bà trở nên hào hứng hơn để quyết những vấn đề mới mẻ và những thách đố trong kinh doanh, trong cuộc sống mới. Bà Mai nói, có lẽ đó là tình người. “Tôi vô cùng cảm động trước sự đón tiếp của mọi người. Họ mở rộng vòng tay chào đón tôi. Nhiều người vào Phở Ta tò mò muốn xem thử tôi giờ ra sao...”, bà Mai thổ lộ.
Khát vọng quê hương thôi thúc bà trở về, nhưng ban đầu bà vẫn giữ thái độ e dè của một người tha hương khá lâu. Bà chờ đợi xem thái độ của mọi người ra sao, được thì ở lại, không được sẽ ra đi, coi như là một thử thách. Nhưng không ngờ được mọi người đối xử tử tế nên tự tin trước quyết định của mình. Mọi chuyện với bà bây giờ rất thoải mái để nghĩ ngợi những dự án kinh doanh mới.
Lấy chiếc khăn giấy thấm những giọt nước mắt, bà Mai nghẹn ngào kể về lần đầu tiên về nước vào năm 1998 để lo mộ phần cho cha mẹ. Khi máy bay vào không phận VN, bà đã òa khóc, cứ tưởng mình đã vĩnh viễn lìa xa quê hương. Cảm xúc của một người xa quê thật khó tả, vừa mừng, vừa tủi vừa đau đớn. “Bởi thế mới nói, dù có nghèo đi chăng nữa, ở trên quê hương của mình mới sung sướng. Tôi vẫn luôn dạy dỗ cháu ngoại của tôi, là phải hãnh diện vì mình là người VN”. Hiện nay bà vẫn đi đi về về, vì nhớ cháu, nhớ con. Nhưng ở VN có nhiều bạn bè, ngày nào cũng gặp, cũng í ới cà phê, ăn sáng, trò chuyện... nên rất vui vẻ, thoải mái.
Với phở
“Tôi tự thách đố chính mình có bán phở được không, và đã làm tốt. Tôi tự thách đố mình có giữ được dáng người ở cái tuổi này không, và cũng làm được. Bây giờ tôi đang thách đố mình làm giàu được không đây”, bà Mai cười lớn. Nhưng chuyện làm giàu là dài lâu, vấn đề quan trọng với bà hiện nay là giữ cho những tô phở ngon và chất lượng.
“Nhiều người hỏi tôi sao không làm việc gì khác để có thu nhập cao hơn, mà lại đi bán phở? Tại sao không mở tiệm phở ở Mỹ mà về VN, quê hương của phở? Tôi trả lời họ, mở quán ở VN là thử thách của tôi. Nếu tôi nấu mà mọi người ăn khen ngon là tôi mừng, là thành công. Tôi muốn đưa món phở của mình phổ biến ở tầm quốc tế cho cả thế giới biết tới, như món sushi của Nhật, món tôm dầm cung của Thái... Không quá khó khăn đâu, chỉ cần thời gian và cùng hợp sức. Lâu nay chúng ta cũng quảng bá phở để mọi người biết đó món ăn đặc trưng của VN, nhưng kết quả chưa được như ý muốn. Món phở của ta quá ngon. Hồi ở Mỹ, những người bạn ngoại quốc hễ được tôi mời ăn phở là sung sướng lắm. Nên trong tương lai, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc chuyển nhượng thương hiệu Phở Ta ở nước ngoài. Mộng ước cho tôi thì nhỏ, nhưng cho phở thì lớn”, bà Mai kỳ vọng.
Khách ban đầu tới quán chủ yếu vì nghe tiếng của bà chủ, nhưng nếu phở không ngon thì họ sẽ không quay lại nữa. Bà Mai hài lòng vì nhiều người đã quay lại...
Tay nghề nấu phở của bà nổi tiếng ở Mỹ trong mấy chục năm qua. Những người quen trước khi mở quán thường hỏi “bí quyết” nấu phở của bà. Dường như suốt mấy chục năm đó, cuộc sống của bà là phở. “Lý do nào khiến bà tự hào về món phở của mình đến vậy?”, tôi hỏi. Bà Mai tự tin trả lời, rằng đó là phở của hơn 30 năm tích cóp kinh nghiệm và bí quyết dựa theo căn bản của cha ông cộng với phát minh mới của mình; đó là những gì tinh hoa nhất, tinh túy nhất; đó là sự chịu khó, chịu thương; là riêng biệt... “Anh có thể gọi nó là Phở Mai!”. “Tôi chỉ có vậy, chứ hơn 30 năm ở Mỹ tôi không làm gì ra tiền để đủ mở một quán phở to như thế này”, bà thành thật chia sẻ.
Với những chia ly
Người đàn bà từng ở địa vị cao sang này luôn sống dằn vặt với chữ “nếu”. Rằng nếu VN không có chiến tranh, thì kinh tế không thua gì Hàn Quốc, Nhật Bản bây giờ, thậm chí còn vượt trội.
Cuộc đời bà Mai gắn với những chia ly, không chỉ với quê mẹ hàng chục năm đằng đẵng. Kết quả mối tình của nữ tiếp viên hàng không Đặng Tuyết Mai cùng tướng Nguyễn Cao Kỳ là một đám cưới vào tháng 11.1964. Họ rời VN năm 1975 và gãy đổ tình yêu trên đất Mỹ.
Bà Mai kể, hai mươi năm rồi không nói chuyện với người chồng cũ. Nhưng dường như tình cảm mà bà dành cho ông Kỳ vẫn còn trong đáy mắt khi nói rằng, ông rất mê món phở bà nấu...
N.Trần Tâm
Bình luận (0)