Sau nhiều nỗ lực, giới khoa học cuối cùng cũng tận mắt quan sát được cái chết ập đến khi nghiên cứu một loài giun.
Trong báo cáo đăng trên chuyên san PLoS Biology, các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Wellcome Trust và Hội đồng nghiên cứu khoa sinh vật (BBSRC) mô tả: cái chết diễn ra giống như một luồng ánh sáng huỳnh quang màu xanh dương dần rút khỏi cơ thể giun, từ tế bào này sang tế bào khác cho đến khi con giun chết hoàn toàn.
|
Họ cho rằng phát hiện mới có thể trở thành một mô hình hiệu quả nhằm tìm hiểu trạng thái tử vong ở người, và biết đâu được một ngày nào đó có thể giúp tìm ra phương pháp kéo dài sự sống cho nhân loại.
Khi từng tế bào chết đi, chúng kích hoạt một chuỗi phản ứng dẫn đến sự vỡ vụn các thành phần cấu tạo tế bào, để lại đằng sau những đống đổ nát các phân tử.
Cơ chế hủy diệt này được tìm hiểu khá kỹ càng ở cấp độ tế bào, nhưng giới khoa học lại chẳng biết gì về sự lan tỏa của cái chết xảy ra trên bình diện một cơ thể sinh vật khi chấm dứt đời sống.
Ở loài giun, cái chết hóa ra có thể được quan sát một cách dễ dàng dưới kính hiển vi, dưới dạng một luồng sáng xanh dương di chuyển xuyên qua cơ thể của nó. Các chuyên gia giải thích rằng luồng huỳnh quang đó là kết quả của sự chết hoại tế bào, và nó lan khắp cơ thể giun nhờ vào các tín hiệu can xi.
Trưởng nhóm nghiên cứu - Giáo sư David Gems của Đại học Cao đẳng London - cho biết nhóm của ông đã xác định được một con đường hóa chất của quá trình tự phân hủy tế bào, và cái chết đi đến đâu thì luồng huỳnh quang lan đến đó. Khi luồng khí này bị rút sạch thì cơ thể ngừng sự sống. Đáng ngạc nhiên hơn, khi các chuyên gia chặn quá trình tự hủy đó, họ có thể trì hoãn được cái chết, diễn ra do tình trạng viêm nhiễm chẳng hạn, nhưng không thể nào vớt vát sự sống nếu đối tượng chết vì già yếu. “Điều này cho thấy sự chết do già lão được kích hoạt bằng một nhóm các quá trình diễn ra song song”, theo Giáo sư Gems. Kết quả nghiên cứu cho thấy các cơ chế liên quan đến cái chết đều diễn ra tương tự ở những loài động vật có vú, cho thấy phát hiện ở loài giun có thể cung cấp một mô hình hữu dụng để tìm hiểu sự hủy diệt tế bào ở người dẫn đến cái chết.
Ban đầu, luồng huỳnh quang xanh dương trên được cho là bắt nguồn từ một chất gọi là lipofuscin, vốn tỏa ra ánh sáng tương tự và có liên quan đến quá trình lão hóa do nó tích tụ dần cùng với sự gia tăng của quá trình phân hủy phân tử. Tuy nhiên, giờ đây các nhà khoa học cho rằng một phân tử khác gọi là a xít anthranilic mới là cội nguồn sản sinh luồng khí xanh dương kia, còn lipofuscin chẳng hề liên quan. Giáo sư Gems giải thích toàn bộ công trình nghiên cứu trên đã phủ bóng nghi ngờ lên giả thuyết lâu nay cho rằng tuổi già chỉ đơn giản là hậu quả của quá trình tích tụ những sự phân hủy phân tử. “Chúng ta cần tập trung vào các sự kiện sinh học diễn ra trong quá trình già yếu và chết đi, nếu muốn tìm hiểu cách thức có thể can thiệp vào các quá trình này, hay nói đúng hơn là trì hoãn cái chết”, ông kết luận.
Hạo Nhiên
>> Đông lạnh đầu ôm mộng trường sinh
>> Hy vọng mới về thuốc trường sinh
>> Khám phá thuật trường sinh
Bình luận (0)