Nhìn thấy nhiều người thất nghiệp, không có kế sinh nhai, anh Dương Vĩ Quang (47 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thị Đẹp (37 tuổi) quyết định đóng cửa tiệm sủi cảo vào buổi sáng để chuẩn bị "cơm trưa 0 đồng" vào 3 ngày trong tuần.
Cơm miễn phí nhưng phải chất lượng
Cưới nhau hơn 10 năm, vợ chồng anh Quang luôn ấp ủ ước mơ có thể giúp đỡ được thật nhiều hoàn cảnh khó khăn. Thời gian gần đây, quán sủi cảo Gia An (xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn) của họ liên tục có người tới xin việc, xin thức ăn, đa số đều là người dân lao động, người cao tuổi khó khăn.
Xót xa trước những hoàn cảnh đó, cả hai bàn bạc với nhau và quyết định nấu cơm miễn phí vào thứ hai, thứ tư và thứ sáu hằng tuần. Chia sẻ với Thanh Niên, anh Vĩ Quang cho biết: "Ban đầu, vợ chồng tôi còn sợ cơm ế, bà con không lại ăn. Không ngờ đến hôm nay, mọi người đến đông và ăn rất ngon miệng, tôi nhìn thôi cũng thấy vui rổi", anh Quang bộc bạch.
Nhận hộp cơm miễn phí đầy đủ 3 món su xào, cá kho, canh bí và một trái chuối tráng miệng, bà Nguyễn Thị Loan (56 tuổi, Q.12) rối rít cảm ơn. Biết tin quán sủi cảo của anh Vĩ Quang có tặng cơm trưa, bà đạp xe từ Q.12 sang đây, nhận cơm mang về cho cháu ngoại.
"Tôi nhận cơm ở đây lần thứ 2 rồi, cơm ngon và mềm lắm. Cô chú cũng rất nhiệt tình, hôm nay bà con đến đông thì san sẻ mỗi người một ít, để ai cũng có phần", bà Loan nói.
Vợ chồng anh cho hay, nguyên liệu để nấu cơm đều do họ chính tay lựa chọn. Menu món cũng được thay đổi mỗi ngày. Mỗi phần cơm được trao đi, anh chị đều đặt tình cảm và sự san sẻ vào đó. Anh cho hay, chỉ cần thịt, cá hay rau củ quả không tươi mới, anh sẽ đổi ngay. Anh nghĩ bản thân mình ăn được, ăn ngon trước thì mới dám mang tặng người khác, dù là cơm miễn phí nhưng chất lượng, an toàn vệ sinh phải được ưu tiên hàng đầu.
Chị Nguyễn Thị Đẹp chia sẻ, hiện tại vợ chồng chị chỉ nấu cơm miễn phí 3 ngày trong tuần vì chưa đủ sức. Sau này, nếu có được thêm kinh phí và sức khỏe, hai vợ chồng sẽ nấu thêm, để thêm nhiều bà con có được bữa cơm ấm bụng. "Giúp đỡ càng được nhiều người, vợ chồng tôi càng hạnh phúc. Hai đứa cũng từ khó khăn mà đi lên nên hiểu được một bữa cơm ngon miệng với người dân lao động ý nghĩa như thế nào", chị Đẹp tâm sự.
Không nhận tiền quyên góp
Mỗi ngày, vợ chồng anh chị nấu khoảng 70 - 80 phần cơm trưa. Toàn bộ kinh phí nấu cơm đều được trích từ lợi nhuận của quán sủi cảo. Anh Quang cho hay, anh không nhận quyên góp và trong tương lai cũng sẽ như thế. Vợ chồng anh muốn duy trì việc này trong khả năng của mình, anh sợ nếu mở quyên góp, nhiều vấn đề sẽ xảy ra và lòng tham của con người là một điều khó nói trước.
Tuy nhiên, nếu những người thân quen, bạn bè ủng hộ bó rau, nải chuối, kí gạo, anh sẵn sàng nhận để bữa cơm 0 đồng cho bà con thêm đầy đủ. Anh nói thêm "đồ cho phải chất lượng anh mới nhận, chứ hư hỏng, không tươi, bà con ăn vào đau bụng tội nghiệp".
Anh cũng dặn dò gia đình, các anh em đến quán hỗ trợ phát cơm, tất cả mọi người đến đây đều có thể nhận phần ăn, tuyệt đối không từ chối bất kì ai cả. Vì khi họ đến đây, nhất định bản thân họ có khó khăn riêng, nên cứ hoan hỉ mà tiếp đón như người nhà.
Chị Đẹp cũng đồng ý với chồng quan điểm đó. Khi nhìn thấy mọi người đến nhận cơm, trân trọng đồ ăn mà mình nấu, chị không khỏi xúc động. Lúc chia sẻ với PV Thanh Niên, chị rưng rưng nói: "Hôm nay thấy bà con đến ăn đông mà cơm không đủ phát, tôi thấy thương và áy náy vô cùng. Ngày mai chắc phải nấu thêm mấy chục suất, để ai đến sau cũng có phần".
Bình luận (0)