Tranh vẽ vua Quang Trung tiến vào Thăng Long mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 |
tư liệu |
Bánh tráng - từ món đặc sản dân dã Bình Định…
Đất Bình Định vốn có nhiều đặc sản về ẩm thực, nhưng chắc rằng từ bình dân cho tới quyền quý, ai cũng biết tới bánh tráng - món đặc sản xuất hiện gần như ở mọi bữa tiệc đãi khách của người Bình Định.
Bánh tráng không phải là một món gì cao sang, trái lại, nó rất bình dân, từ nguyên liệu cho đến hương vị. Bình Định có nhiều loại bánh tráng, nhưng nói chung đều được làm chủ yếu từ bột gạo hoặc bột sắn và nước cốt dừa.
Gạo ngon được lựa kỹ, vo và ngâm gạo đủ thời gian rồi đem xay nhuyễn, sau đó pha bột gạo với nước theo đúng tỷ lệ, rồi tráng bánh. Một số loại bánh có thể được pha nước cốt dừa hoặc trộn thêm một số loại gia vị hay nguyên liệu khác. Bánh tráng thủ công bằng cách căng vải trên miệng nồi nước sôi và múc bột gạo rải đều lên mặt vải, đậy vung vài phút cho lát bánh chín, rồi dỡ ra phơi nắng cho khô.
Bánh tráng cuốn Bình Định |
tư liệu |
Bánh tráng Bình Định có thể nướng ăn trực tiếp; hoặc nhúng nước dùng cuốn gỏi với rau tươi, cá hay thịt luộc chấm với nước mắm ớt tỏi; hoặc cuốn với nhân tôm, thịt làm chả ram… Từ xưa đến nay, bánh tráng đã trở thành món ăn quen thuộc của người Bình Định.
…đến món lương khô khi chinh chiến của quân Tây Sơn
Khi phải thường xuyên đánh trận xa nhà, chuyện lương thực phục vụ toàn quân là hết sức quan trọng. Từ một món đặc sản hết sức dân dã của quê nhà, quân Tây Sơn đã sáng tạo ra món “lương khô” dùng trong những lúc chiến chinh xa, thật đơn giản mà tiện lợi, trong đó có món bánh tráng Bình Định vừa khô, gọn nhẹ khi mang theo, lại nhanh chóng và dễ dàng khi sử dụng với từng người.
Hình ảnh người lính Tây Sơn do Wiliam Alexander vẽ năm 1793 |
tư liệu |
Cụ Quách Tấn viết trong Nước non Bình Định như sau: “Lại còn thứ bánh tráng mè. Mè đen để nguyên vỏ hoặc mè trắng chà sạch vỏ. Bánh mè trắng chà sạch vỏ thường có bỏ đường.Bánh mè đen luôn luôn là bánh lạt. Nướng ăn rất khoái khẩu. Người ăn đã quen, vắng lâu, rất nhớ mùi:
Đi xa nhớ bánh tráng mè
Mùi quê phảng phất dặm hòe hương đưa
Đi đôi cùng bánh tráng, là thịt bò thưng. Thưng là nấu chín mà không rục.
Thịt bò tươi xắt từng khúc lớn bằng cườm tay, bỏ vào trã bộng đổ nước sếch sếch, nêm mắm trộn đường bỏ gia vị rồi chụm lửa cháy rêu rêu dịu dịu. Nước sôi chậm chậm, thịt chín lần lần… Khi hơi đã bốc đều thì lấy vung úp lại, để sôi trong vài giờ đồng hồ, nước khô thịt thấm. Khi nước rút hết vào thịt thì tắt lửa, để cho thịt nguội rồi đem hong gió cho khô… Khi ăn xé nhỏ… Mùi thơm vị mắm… Để hàng tháng không hư.
Chính nhà Tây Sơn đã bày ra thịt thưng.
Bánh tráng và thịt thưng, nhà Tây Sơn đã dùng làm lương khô khi đi đánh giặc xa, mỗi người lính được cấp cho một số bánh tráng diểu, một số thịt bò thưng, một ít nước mắm. Đến buổi ăn, dừng lại, lấy bánh tráng cuốn thịt bò thưng (chấm thêm nước mắm nếu muốn thật mặn miệng), mà ăn no, khỏi mất công nhúm lửa nấu cơm. Thật là tiện lợi”.
Chinh chiến xa xôi nhưng lại luôn được ăn đặc sản quê nhà, vừa quen vị vừa ngon miệng và đủ dinh dưỡng (với thịt bò thưng), lại rất tiết kiệm thời gian của toàn quân. Gọn nhẹ như vậy, nên mỗi người có thể tự mang khẩu phần trong 2 - 3 ngày mới phải cấp phát tiếp.
Có lẽ vì tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc ăn uống khi hành quân mà quân Tây Sơn ở mỗi chiến dịch trên bộ đều hành quân rất thần tốc, khiến đối thủ không kịp trở tay, chứ chẳng phải bí mật gì ghê gớm.
Bình luận (0)