[VIDEO] Đau xót những cánh rừng giáng hương cổ thụ bị xẻ thịt giữa đại ngàn Tây Nguyên
|
Hiện tỉnh Gia Lai vẫn chưa có những giải pháp quyết liệt, hữu hiệu để bảo vệ quần thể nguồn gien quý hiếm dù quần thể giáng hương lớn nhất Gia Lai ở H.Kbang đã và đang bị lâm tặc rình rập, chặt hạ trái phép
Những ngày qua, PV Thanh Niên đã xâm nhập vào rừng sâu nhằm tận mắt thấy những cây giáng hương cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ trái phép. Hơn 3 giờ đồng hồ leo rừng khó nhọc, chúng tôi mới đến được khu vực giáng hương bị chặt phá.
Đập vào mắt chúng tôi là một cây giáng hương có đường kính gốc khoảng 3 m còn trơ gốc. Cây này có 3 nhánh với khối lượng gỗ ước hàng chục mét khối song đã bị lâm tặc chặt hạ mất 2 nhánh và đã vận chuyển ra khỏi hiện trường, chỉ còn lại một ít cành nhánh.
Cách đó không xa là những tấm gỗ hương mà lâm tặc bỏ lại. Chỉ trong vòng chưa đến 1 km nhưng đã có gần cả chục cây giáng hương bị chặt phá. Một số gốc hương sau khi bị chặt hạ trái phép, lâm tặc đã vận chuyển gỗ ra khỏi rừng và đốt luôn phần gốc để phi tang. Giá gỗ giáng hương ở khu vực này dao động trong khoảng từ 80 - 100 triệu đồng/m3, lâm tặc vì thế càng thêm liều lĩnh, táo tợn.
Theo thống kê vào thời điểm năm 2014, khu vực rừng thuộc H.Kbang có quần thể giáng hương lớn nhất Gia Lai với 407 cây, rải rác trên diện tích 7.900 ha rừng. Đây là nguồn gien quý, song các ngành chức năng của Gia Lai nhiều năm nay vẫn loay hoay với đề án bảo vệ. Đến giữa tháng 4.2019, quần thể này chỉ còn 296 cây.
Ông Võ Ngộ, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa, H.Kbang (đơn vị quản lý khu vực rừng nói trên), giải thích: “Lực lượng mỏng, chỉ có 20 người nhưng rừng thì mênh mông như thế. Thời gian này, nhiều lâm tặc từ Quảng Bình cấu kết với người dân địa phương cứ chờ cơ hội là ra tay đốn hạ trái phép giáng hương. Không có vấn đề tiêu cực ở đây, chỉ là do lâm phần quá rộng, lực lượng mỏng nên dẫn đến những sự việc không mong muốn này”.
Bình luận (0)