Quán trà đặc biệt, khách đến nhẹ lòng trước lời chào đơn giản của nhân viên

17/04/2021 14:03 GMT+7

Quán trà thuộc Trung tâm hòa nhập VKAGBE trở thành sự lựa chọn của không ít người vì đồ uống thơm ngon, đảm bảo và được phục vụ bởi những nhân viên đặc biệt – những người mắc hội chứng tự kỷ .

Mô hình vừa học vừa làm cho người tự kỷ

Nằm tại ngõ 7 đường Hoàng Minh Giám (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), quán trà nhỏ thuộc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập VKAGBE được nhiều thực khách lui tới dù đây chỉ là nơi đào tạo những người mắc hội chứng tự kỷ học và kiếm việc làm.
Không gian quán được bày trí một cách đơn giản, mở cửa bước vào quán, thực khách được lắng nghe lời chào gần gũi, thân thương từ nhân viên. Lời chào đơn giản với nụ cười nở trên môi nhưng ít ai biết rằng đó là cả một sự nỗ lực của nhân viên tại quán trà này.
Bà Nguyễn Thị Thúy  (40 tuổi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ hoà nhập VKAGBE) cho biết, quán trà này được mở từ tháng 8.2020. Thời gian đầu, bà và những người hướng dẫn tại trung tâm dạy cách làm hoa quả sấy. Vài tháng sau quán trà được mở để đào tạo, giúp các bạn mắc tự kỷ có việc làm.
Quán trà là không gian học tập, làm việc của những thanh thiếu niên tự kỷ với các cấp độ khác nhau. Có bạn có thể pha chế, phục vụ tại quán, có bạn chỉ mới biết lau chùi, dọn dẹp đơn giản, các em nhỏ hơn sẽ học những kỹ năng đơn giản như cắt, gọt hoa quả… khi làm việc tại quán trà.
Dần dần, quán trà sẽ là nơi giúp các bạn kiếm tiền để bố mẹ không phải đóng tiền học và có không gian sinh hoạt, làm việc phù hợp với bản thân.
Quán trà đặc biệt, mang việc làm đến cho những người không may mắc tự kỷ1

Quán trà là nơi đào tạo, làm việc của các bạn tự kỷ

ẢNH: DƯƠNG LAN

“Thực tế các bạn không may mắc tự kỷ thực sự rất khó để ra bên ngoài xin được một việc làm phù hợp với khả năng vì nhận thức về người tự kỷ của mọi người chưa thực sự rộng. Không phải ai cũng hiểu làm thế nào để ứng xử cho phù hợp với người mắc tự kỷ. Khác với những người khiếm thị, khiếm thính khi có thể học kỹ năng giao tiếp từ người khác, nhưng các bạn tự kỷ rất khó để xin được một nơi làm việc an toàn, vì vậy quán trà ra đời để giúp các bạn vừa học, vừa làm”, bà Thúy cho biết.
Trước đây, tôi cũng tìm hiểu cách uống các loại trà detox và cách làm cũng đơn giản. Các bạn có thể tự rửa, tự sấy, lò sấy cũng an toàn với nhiệt độ không cao, khi làm xong có thể phục vụ quán đợi đến khi mẻ hoa quả sấy xong. Làm những thứ cực kỳ đẹp mắt sẽ rất khó với các bạn ở đây nên lựa chọn quán trà với hoa quả sấy sẽ có nhiều công đoạn cho các bạn thực hiện”, bà Thúy chia sẻ.
Quán trà đặc biệt, mang việc làm đến cho những người không may mắc tự kỷ3

Hoa quả sấy là một trong những sản phẩm tại quán trà đặc biệt này

ẢNH: DƯƠNG LAN

Kiên trì với... nhân viên

Nói về những khó khăn khi quán trà đi vào hoạt động, bà Thúy cho biết những nhân viên tại quán là những người mắc hội chứng tự kỷ nên phải hiểu, phải có chiến lược riêng mới đào tạo được.
“Phải hiểu khả năng của các bạn ấy đến đâu, có thích công việc đó hay không. Giai đoạn đầu phải chấp nhận để các bạn ấy thích nghi dần dần nếu không quán trà sẽ thất bại. Ở đây có những bạn có thể chủ động làm được mọi việc nhưng cũng có bạn phải cầm tay để bạn ấy cho được miếng táo vào hộp”, bà Thúy cho biết thêm.
Nói về dự định hoạt động trong thời gian tới của quán trà đặc biệt này, bà Thúy chia sẻ sẽ cùng phụ huynh đưa ra các ý tưởng, ổn định sản phẩm đang có, đẩy mạnh việc kinh doanh giúp các bạn tự kỷ có được việc làm, tự bản thân kiếm thu nhập.
Quán trà đặc biệt, mang việc làm đến cho những người không may mắc tự kỷ5

Tấm biển giới thiệu các sản phẩm có tại quán trà

ẢNH: DƯƠNG LAN

Quán trà đặc biệt, mang việc làm đến cho những người không may mắc tự kỷ7

Hoa quả sấy và trà là sản phẩm chủ đạo tại quán

ẢNH: DƯƠNG LAN

Quán trà đặc biệt, mang việc làm đến cho những người không may mắc tự kỷ7

Dạy nghề và đào tạo việc làm là cách giúp các bạn tự kỷ hòa nhập với xã hội

ẢNH: DƯƠNG LAN

Anh Nguyễn Trường Thọ (25 tuổi, người hướng dẫn các bạn tự kỷ làm việc tại quán) cho biết, việc đào tạo các bạn cũng gặp khó khăn vì hôm nay hướng dẫn có thể học được nhưng ngày mai lại quên hết, không tập trung nhưng với mong muốn một ngày nào đó các bạn có thể tự tìm việc bên ngoài nên tất cả mọi người trong trung tâm đều phải cố gắng.
“Khi mở quán, ban đầu nhiều người không biết đây là nơi bán những sản phẩm của những người tự kỷ. Khách vào quán nhưng nhân viên có thể chậm, phục vụ rập khuôn nên nhiều người cũng thắc mắc. Khi giải thích về những sai sót mà các bạn mắc phải mọi người cũng hiểu và rất thông cảm, ủng hộ quán”, anh Thọ chia sẻ.
Chị Chu Thùy Trang (24 tuổi, ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, bản thân là người có nhiều hoạt động xã hội nên khi biết đến quán cũng thỉnh thoảng đến ủng hộ mọi người, đặc biệt là những nhân viên đặc biệt tại đây.
“Dù cách phục vụ có thể không nhanh nhẹn, các sản phẩm chưa hoàn hảo lắm nhưng tôi cũng đến ủng hộ vì đó là cả một sự nỗ lực của họ. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều mô hình giúp đỡ người tự kỷ giúp các bạn tự tin hòa nhập với mọi người”, chị Trang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.