Quan trấn thủ Qui Nhơn Trần Đức Hòa góp công sáng tạo chữ Quốc ngữ

13/09/2020 09:00 GMT+7

Quan trấn thủ Qui Nhơn Trần Đức Hòa là người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc sáng tạo, hình thành chữ Quốc ngữ vào những năm đầu thế kỷ 17.

Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong 1631 của Christophoro Borri, được viết từ những năm 1618-1622, khi ông hoạt động truyền giáo tại Nước Mặn (Bình Định) và được xuất bản năm 1631 tại Rome (Ý). Sách viết bằng tiếng Ý, đã được dịch sang tiếng Pháp, Latin, Hà Lan, Đức, Anh vào những năm 1631-1633, trong đó có sử dụng một số chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai.
Đây là tác phẩm đầu tiên của một tác giả châu Âu viết về xứ Đàng Trong gồm 18 chương. Trong đó, Borri dành 2 chương viết về “quan trấn tỉnh Qui Nhơn” Trần Đức Hòa, người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc sáng tạo hình thành chữ Quốc ngữ vào những năm đầu thế kỷ 17.

Bậc khai quốc công thần của nhà Nguyễn Gia Miêu

Trần Đức Hòa người xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Qui Nhơn (nay là thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Tổ tiên vốn người Thanh Hóa, di cư vào Bồng Sơn năm nào không thể tra cứu được. Khi chúa Nguyễn vượt sông Gianh thì họ Trần đã từng làm quan. Đất nước bị phân tranh, nhưng Trần Đức Hòa giữ được tấm lòng trong sáng của người dân Việt. Ông phò nhà Lê, suy tôn nhà Lê, thọ sắc phong của nhà Lê, mặc dù ở Bắc Hà chúa Trịnh đã thao túng quyền bính, vua Lê chỉ còn là bù nhìn. Đến khi gặp Đào Duy Từ, ông đã nhìn thấy một kẻ sĩ có tài trí phi thường, có thể giúp chúa Nguyễn định bá đồ vương, ông bèn gả con gái cho rồi tiến cử lên Sãi vương.
Trần Đức Hòa là bề tôi trung tín của Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng (1558-1613) và Chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Trong thời gian nhậm chức Tuần phủ khám lý phủ Qui Nhơn, ông có công giữ yên trấn lỵ, tích trữ lương thực cung ứng cho nhu cầu “Định Bắc” của Chúa Nguyễn. Ông đã tích cực mở rộng sản xuất bằng cách qui dân khẩn hoang lập ấp, cho phép dân làm ăn trên đất hoang đã thành điền, sau mười năm nộp thuế cho nhà nước. Phần ruộng đất của nhà ông, ông cũng cho dân làm rẻ, đóng địa tô mức vừa phải. Nhờ vậy, tổng sản lượng lúa gạo của phủ Qui Nhơn lúc bấy giờ tăng lên, vì quyền lợi cá nhân được kích thích. Quân đội mạnh lên vì thực túc thì binh cường.
Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên chép: “Hi Tông Hoàng đế (chúa Sãi -Nguyễn Phúc Nguyên) lên nối ngôi, Đức Hòa thường được cùng chúa bàn mưu tính kế việc quân việc nước, được chúa coi là thân tín, đều gọi Đức Hòa là nghĩa đệ. Lúc Nam Bắc dùng binh, trong cõi lắm việc, Đức Hòa ở Qui Nhơn lâu ngày, trong vỗ an dân chúng, ngoài cung cấp lương hướng cho quân đội, được xem là chỗ dựa của triều đình”. Sử nhà Nguyễn xem Trần Đức Hòa là bậc khai quốc công thần của nhà Nguyễn Gia Miêu thời quốc sơ.
Đền thờ Trần Đức Hòa được nhà Nguyễn xây dựng tại quê hương ông: làng Hi Văn, xã Bồ Đề (nay là thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), được liệt vào hàng Từ Miếu do tỉnh thần trông nôm việc tế tự. Ngoài ra, ông cũng được dân làng thờ tự ở đình làng. Đền thờ và đình làng thờ ông đều bị sụp đổ trong kháng chiến. Hiện nay, cháu 13 đời Cống Quận Công là Trần Đức Nghị (hiện ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) còn lưu giữ 10 tư liệu quí hiếm, có niên đại trên dưới 400 năm, gồm: 7 đạo sắc phong của vua Lê chúa Nguyễn, 2 đạo chỉ thị của hai vị quốc công đều làm chúa ở Nam Hà và một văn kiện cấp bằng của Bộ Lại triều Lê.

Bìa sách Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong 1631 của Christophoro Borri

ẢNH: NGUYỄN THANH QUANG

Cưu mang các nhà truyền giáo

Năm 1613, Nguyễn Hoàng mất, người con thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay, được nhiều tướng tài và mưu sĩ trợ giúp, đắp lũy, xây đồn, luyện quân và xưng chúa. Mặt khác, xúc tiến quan hệ với Bồ Đào Nha để mua vũ khí, đúc súng đạn. Trong quan điểm ngoại giao này, chúa Nguyễn coi các thừa sai Dòng Tên như “một bảo đảm” để người Bồ Đào Nha giao thương, nên Sãi Vương vui vẻ đón nhận phái đoàn ba Giêsu hữu, gồm: Linh mục Francesco Buzomi là bề trên, linh mục Diogo Carvalho và tu huynh António Dias tới Cửa Hàn, lập trú sở truyền giáo tại khu phố người Bồ Đào Nha ở hải cảng Đà Nẵng vào năm 1615.
Vì chưa biết ngôn ngữ bản xứ, chỉ biết một ít tiếng Nhật, không có thông dịch viên, nên hoạt động của các giáo sĩ Dòng Tên thời gian đầu chỉ ở Đà Nẵng, sau đó đến Dinh Chiêm và chủ yếu ở Hội An - nơi có giáo dân Nhật kiều cư trú, và giáo dân Nhật kiều biết tiếng Việt là những thông dịch tiếng Việt cho các nhà truyền giáo.
Mùa thu năm 1616, Đàng Trong bị mất mùa vì hạn hán. Người dân cho rằng vì bỏ đạo ông bà tổ tiên mà theo đạo mới, nên tai họa ập tới. Do đó, quy trách nhiệm cho các thừa sai và đạo mới, họ vào tận phủ Chúa làm áp lực đòi trục xuất những người giảng giáo lý mới.
Năm 1617, linh mục Francisco de Pina và một tu sĩ người Nhật Bản được linh mục giám tỉnh Dòng Tên phái sang trợ giúp phái đoàn linh mục Buzomi đang bị bạc đãi. Đến giữa năm 1617, chúa Nguyễn lệnh các nhà truyền giáo ra khỏi Đàng Trong “ngay tức khắc”. Tuân lệnh chúa, các nhà truyền giáo xuống thuyền, nhưng vì biển đang mùa gió lớn, thuyền của các nhà truyền giáo nhỏ, không thể rời bến. Các nhà truyền giáo bị người dân buộc phải cách ly xa hẳn mọi người, không cho vào thành phố, sống cô lập trên một bãi biển với sự trợ giúp đỡ kín đáo của một số giáo dân tân tòng, sự bất tiện và cực khổ đã khiến linh mục Buzomi bị bệnh.
Lúc bấy giờ, quan trấn thủ Qui Nhơn, khám lý Trần Đức Hòa đang đi công cán ở Dinh Quảng Nam, chứng kiến cảnh khốn khổ của các linh mục. Thấu hiểu được việc người dân gán ghép tội cho các nhà truyền giáo rồi động lòng thương, Trần Đức Hòa bảo các nhà truyền giáo tạm trú ẩn trong giáo dân ở Hội An một thời gian, chờ ông. Sau đó, ông đã truyền đưa Buzomi lên thuyền theo ông về Qui Nhơn trước để chữa bệnh. Pina cùng sư huynh người Nhật Bản được giáo dân Nhật kiều ở Hội An bí mật nuôi giấu, bảo vệ.
Được tin, các linh mục đang chịu sự bất hạnh ở xứ Đàng Trong, bề trên ở Macao quyết định gửi hai linh mục sang trợ giúp, qua một chiếc tàu Bồ Đào Nha đang căng buồm đi An Nam. Cả hai đến Hội An giữa năm 1618, tìm gặp Pina đang ẩn núp, nhưng được đối xử rất tốt đẹp bởi những tín đồ Thiên Chúa giáo Nhật Bản ngoan đạo đã được ông bí mật ban lễ thánh thể. Sau đó, để được che chở, bảo bọc, linh mục Marquez và Pina ở lại Hội An làm lễ cho những giáo dân người Nhật, Borri đến Đà Nẵng làm lễ cho những giáo dân người Bồ Đào Nha.
Sau gần một năm, nhờ thầy thuốc chữa lành bệnh cho Buzomi, giữa năm 1618, quan trấn thủ Qui Nhơn cùng Buzomi ra lại Hội An tìm Pina và Borri. Pina và Borri cùng Buzomi được quan trấn thủ Qui Nhơn mời về Qui Nhơn trên một chiếc thuyền riêng với đầy đủ tiện nghi, sau 12 ngày lênh đênh trên biển. Theo đề nghị của các nhà truyền giáo, quan trấn thủ Qui Nhơn lệnh cho xây dựng một cơ sở và một nhà thờ ở một địa điểm thuận tiện: cảng thị Nước Mặn.
Vừa thoát nạn trục xuất, các giáo sĩ lại được quan trấn phủ Qui Nhơn, một vị quan có uy thế bao bọc, giúp đỡ, cung cấp đồ dùng, thực phẩm dư dật, cấp cả tiền bạc, dựng nhà thờ, nhà ở, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và cho phép tự do hoạt động truyền giáo. Các nhà truyền giáo cư sở tiên khởi Nước Mặn đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp ngoài sự mong đợi, và thành quả này tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động truyền giáo của giáo phận Đông Đàng Trong (giáo phận Qui Nhơn sau này).
Từ những báo cáo của cư sở truyền giáo Nước Mặn gửi về, Tỉnh Dòng ở Macao đã tổng hợp thành những bản phúc trình chính thức gửi về bề trên ở La Mã, hiện lưu giữ ở Văn Khố Dòng Tên cho biết: những bản dịch các văn bản Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618. Đáng chú ý là cuốn Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong 1631, Borri viết bằng tiếng Ý, trong đó có một số chữ Quốc ngữ được sử dụng để chỉ tên người, tên đất và đã xuất hiện một số câu chữ Quốc ngữ sơ khai. Như vậy, ngay từ những năm 1618-1622 đã có một khởi đầu hình thành thứ chữ mới này tại cư sở truyền giáo Nước Mặn.

Góp công sáng tạo chữ Quốc ngữ

Cửa Hàn/Hội An (Quảng Nam) là điểm xuất phát truyền giáo buổi đầu, lập giáo đoàn tại Nước Mặn (Bình Định) và Nước Mặn là cư sở truyền giáo tiên khởi do linh mục Buzomi đảm nhiệm. Cha bề trên Buzomi và hai linh mục của giáo đoàn ông là Pina và Borri là những giáo sĩ Dòng Tên đi tiên phong trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, thời gian đầu đến Đàng Trong, được quan Khám lý Trần Đức Hòa đưa về Qui Nhơn xây dựng cư sở truyền giáo, cung cấp tiền bạc, lương thực, thực phẩm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà truyền giáo hoạt động. Và tại đây, để giao tiếp với người bản xứ, phục vụ cho mục đích truyền giáo, các linh mục Dòng Tên đã học tập, nghiên cứu, ký âm và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ.
Việc quan trấn thủ Qui Nhơn Trần Đức Hòa đã cưu mang, bảo hộ các nhà truyền giáo người ngoại quốc chưa từng quen biết, bất đồng ngôn ngữ, không cùng tôn giáo tín ngưỡng, bị bạc đãi, chúa trục xuất, người dân xua đuổi, cách ly cô lập và đang bệnh nặng với nhiều đặc ân, đã nói lên tấm lòng bao dung, tình nhân loại, tính nhân văn cao cả của quan trấn thủ Qui Nhơn không chỉ đối với đồng bào mình, mà cả đối với những người ngoại quốc xa lạ, không cùng dòng máu màu da.
Do vậy, sẽ không công bằng khi nói về công lao của các nhà truyền giáo sáng tạo ra chữ Quốc ngữ tại cư sở Nước Mặn mà không ghi nhớ sự giúp đỡ của “văn nhân trẻ tuổi” và một số học sinh vùng Nước Mặn, đặc biệt là sự đóng góp mang tính quyết định của quan trấn thủ Qui Nhơn Trần Đức Hòa. Nếu không có ông cưu mang, chắc chắn các nhà truyền giáo ngoại quốc này đã bị trục xuất khỏi xứ Đàng Trong vào giữa năm 1618 theo lệnh cấm đạo của chúa Nguyễn đã ban bố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.