Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Phạm Tuấn Anh - Tổng biên tập báo Dân trí - cho biết: "Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự phát triển bền vững không còn là một lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu. Các doanh nghiệp không chỉ cần tạo ra lợi nhuận, mà còn phải đóng góp tích cực cho môi trường, xã hội và có một hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả. Đó chính là tinh thần của ESG - Môi trường, Xã hội và Quản trị".
Từ trước đến nay, quản trị doanh nghiệp thường được coi là một khoản gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ý kiến lại cho rằng quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG có thể là một yếu tố tạo ra lợi nhuận, vì nếu quản trị tốt thì doanh nghiệp không những vừa có thể tiết giảm được chi phí mà còn có thể xây dựng tạo lợi nhuận bền vững.
Theo Tiến sĩ Bùi Thanh Minh - Phó giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), việc đầu tiên, khi thực hành ESG có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều khó khăn nên khi chi ra 1 đồng thì phải tính toán. Trước tiên, doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật, sau đó phải tính đến tích hợp. Doanh nghiệp "liệu cơm gắp mắm", có nguồn lực ở mức độ nào thì thực hành ở mức độ đó miễn là chúng ta không nói quá phần mình làm được.
Tiến sĩ Bùi Thanh Minh cho rằng thực hành ESG toàn cầu có áp lực đối với doanh nghiệp Việt, chi phí tăng lên nhiều thế nhưng doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi. ESG là xu hướng của thế giới, có thể tối ưu chi phí, tối ưu hóa tài nguyên. Khi chuyển động theo ESG có thể tiếp cận vốn xanh - không rẻ nhưng là vốn trung và dài hạn, khắc phục vấn đề cấu trúc vốn trong bối cảnh chỉ dựa vào tín dụng.
"Chuyển động ESG mở ra những cơ hội kinh doanh mới, chúng ta có thể kết hợp, tối đa hóa và giảm thiểu rủi ro. Với những vấn đề nội tại trong quản trị doanh nghiệp và xu hướng ESG trên toàn cầu thì việc quản trị vừa là thuốc bổ, vừa là thuốc chữa bệnh. Cơ bản là phải sử dụng thuốc ra sao, liều lượng thế nào để có một cơ thể khỏe mạnh" ông Bùi Thanh Minh cho hay.
Bình luận (0)