Quan trọng hơn việc điều chỉnh

23/10/2014 06:00 GMT+7

Cuối cùng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ điều chỉnh văn bản quy định về việc miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia theo hướng nâng chuẩn lên cho phù hợp và thay đổi chi tiết sai sót liên quan đến tổ chức cấp chứng chỉ. Một cách gián tiếp, Bộ đã thừa nhận sai sót.

Việc ra một văn bản ở cấp quốc gia, liên quan đến hàng triệu học sinh và phụ huynh, trong một thời điểm rất nhạy cảm, mà để xảy ra sai sót không đáng với những quy định thiếu thuyết phục, chưa khoa học là một điều khó chấp nhận. Điều chỉnh bằng cách thay đổi một văn bản khác tuy không dễ nhưng cũng đơn giản hơn làm chuyển đổi cách nhìn nhận trước một vấn đề.

Nhìn diễn biến sự việc, có thể thấy rằng Bộ điều chỉnh quy định vì cái sai về mặt kỹ thuật quá rõ ràng và chuẩn đề ra trong quy định ấy quá dễ đến mức dư luận phản ứng mạnh mẽ. Như thế, đây là việc chẳng đặng đừng. Điều đáng lo là không thay đổi được suy nghĩ, quan điểm để dẫn đến những quy định kiểu miễn thi ngoại ngữ như vừa qua.

Với những điều kiện thể hiện trong văn bản và cách lý giải của đại diện Bộ GD-ĐT trả lời trên Báo Thanh Niên ngày 21.10, rõ ràng Bộ GD-ĐT đã không hiểu đúng tinh thần của việc miễn thi này. Thông thường miễn thi chỉ áp dụng cho những “đối tượng ưu tiên” hoặc thành phần xuất sắc, vượt lên yêu cầu bình thường. Nghĩa là không thể dành cho số đông, đại trà. Đằng này, quan điểm của Bộ lại hướng đến mức trung bình. Điều đó không chỉ làm mất động lực phấn đấu cho người học mà còn góp phần phá bỏ việc dạy học môn này ở trường phổ thông. Nếu vẫn lối tư duy như vậy, có người cho rằng, thử hình dung với các môn khác như toán, lý, hóa... mà nếu có tổ chức nào đó được xem là uy tín cấp chứng chỉ như tiếng Anh thì chẳng lẽ học sinh cứ đi học hết các chứng chỉ bên ngoài để miễn thi tốt nghiệp?

Chưa kể quy định nói trên còn đi ngược lại chủ trương một kỳ thi quốc gia mà kết quả vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Khi điều kiện miễn thi quá thấp, các trường ĐH không dám dùng tiêu chí này để xét tuyển. Thí sinh cho dù đủ điều kiện miễn thi vẫn phải thi để làm căn cứ xét tuyển thì miễn thi có ý nghĩa gì?

Nếu vẫn với cách nhìn nhận vấn đề như cũ, e rằng Bộ GD-ĐT còn phải điều chỉnh văn bản dài dài.

Thùy Ngân

>> Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh quy định về miễn thi ngoại ngữ
>> Kỳ thi quốc gia: Chuẩn miễn thi ngoại ngữ như thế nào là hợp lý?
>> Kỳ thi quốc gia: Miễn thi ngoại ngữ quá dễ!
>> Các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT
>> Cho phép nhiều đối tượng miễn thi ngoại ngữ trong đào tạo thạc sĩ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.