Tiên phong ra chợ mời đóng BHXH tự nguyện
Ngày 8.3, ông Trần Ngọc Thương, Phó giám đốc bảo hiểm xã hội (BHXH) Q.1 cùng nhiều cán bộ của cơ quan này đã đến tận chợ Tân Định để chia sẻ các thông tin về điều kiện và quyền lợi khi tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình với bà con tiểu thương.
Trao đổi trực tiếp với tiểu thương, ông Thương cho biết mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất hiện nay bằng 22% mức thu nhập thấp nhất và mức đóng BHXH tự nguyện cao nhất bằng 22% mức thu nhập cao nhất (mức thu nhập cao nhất được tính là 20 lần mức lương cơ sở).
Mức thu nhập thấp nhất hiện nay theo chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 700.000 đồng/tháng. Nếu bà con tiểu thương chọn đóng mức phí thấp nhất thì mỗi tháng chỉ đóng 154.000 đồng (22% của 700.000 đồng). Tùy thuộc vào việc người dân lựa chọn mức đóng mà sau này sẽ được hưởng mức hưu trí tương đương.
Ngoài ra, khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia sẽ được hưởng một số quyền lợi như tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó, người tham gia được hưởng chế độ hưu trí khi đóng được ít nhất 20 năm và hết tuổi lao động; được hưởng chế độ BHXH 1 lần nếu không đủ điều kiện hưu trí hoặc muốn nhận sớm; thân nhân được hưởng tử tuất nếu người đóng chẳng may qua đời.
Ngoài việc trao đổi trực tiếp, các cán bộ BHXH Q.1 còn in nhiều tờ bướm với đầy đủ thông tin về các điều kiện đóng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và cách thức đóng cũng như những quyền lợi đi kèm để các tiểu thương nắm rõ.
Bà Mai (60 tuổi, tiểu thương bán tạp phẩm tại chợ Tân Định) cho biết bản thân bà và gia đình thấy rằng đóng BHYT theo hộ gia đình là rất cần thiết và có lợi cho người tham gia, mức đóng cũng thấp mà có thể an tâm về chi phí khi đi khám bệnh. Còn về BHXH tự nguyện, bà Mai nói: “Mức đóng BHXH tự nguyện thì tôi thấy cao hơn BHYT mà thời gian đóng hơi lâu. Nó cũng tốt đó, là một cách để mình tiết kiệm tiền sau này dưỡng già. Nhưng tôi cũng lớn tuổi rồi, nên chuyện có đóng hay không sẽ bàn thêm với gia đình”.
Sẽ có đại lý thu BHXH tự nguyện tại tất cả chợ ở Q.1
|
BHXH Q.1 ký hợp đồng với đại lý thu. Người làm đại lý thu được đào tạo và cấp thẻ hành nghề theo quy định của BHXH Việt Nam. "Thay vì phải đến đại lý thu của bưu điện hoặc đến trực tiếp cơ quan BHXH thì bà con tiểu thương chỉ lên Ban quản lý chợ gần nơi mình buôn bán để đóng, như vậy thuận lợi hơn rất nhiều", ông Thương nói.
"Trước đây tuyên truyền ở tổ dân phố thì hiệu quả đem lại không được như mong muốn. Do trước đây phải chia sẻ thông tin cho các tổ trưởng, tổ phó của tổ dân phố. Rồi sau đó họ về nói lại với người dân. Nhiều cô chú lớn tuổi nên việc truyền đạt thông tin lại không mang hiệu quả như mong đợi. Còn bây giờ, BHXH đến chia sẻ trực tiếp với đối tượng tham gia luôn nên hiệu quả của việc tuyên truyền sẽ rõ hơn, sức lan tỏa nhiều hơn", ông Thương so sánh.
Sau lần nói chuyện ở chợ Tân Định, lãnh đạo BHXH Q.1 cho biết sẽ rút kinh nghiệm các thiếu sót. Lần sau, trước khi đến tuyên truyền thì sẽ cùng ban quản lý chợ đến phát những tờ bướm để tiểu thương nắm rõ thông tin rồi sau đó mới thông báo thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị trao đổi để bà con có thắc mắc sẽ được giải đáp nhanh chóng.
Hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện
|
Điều 14 nghị định này quy định việc hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện cụ thể như sau:
1. Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ:
Người tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại khoản 1 điều 10 nghị định này, cụ thể:
a) Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;
b) Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Căn cứ vào điều kiện phát triển KT-XH và khả năng ngân sách nhà nước (NSNN) trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp.
2. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
3. Phương thức hỗ trợ:
a) Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH tự nguyện do cơ quan BHXH chỉ định;
b) Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền NSNN hỗ trợ theo mẫu do BHXH Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH;
c) Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, kinh phí NSNN hỗ trợ do cơ quan BHXH chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào quỹ BHXH mỗi quý một lần; chậm nhất đến ngày 31.12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ vào quỹ BHXH của năm đó.
4. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp NSNN hiện hành; ngân sách T.Ư hỗ trợ đối với các địa phương ngân sách khó khăn.
6 cách đóng BHXH tự nguyện
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ 15 tuổi không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nếu có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện, thì được đóng tiếp cho đến khi đóng đủ 20 năm BHXH và đủ tuổi để hưởng chế độ hưu trí hằng tháng.
Theo điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 thì hiện nay, có 6 cách mà người lao động có thể áp dụng đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu.
1. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
- Đóng hằng tháng.
- Đóng 3 tháng một lần.
- Đóng 6 tháng một lần.
- Đóng 12 tháng một lần.
- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.
- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
2. Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 điều này cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại điểm e khoản 1 điều này.
|
Bình luận (0)