Quán vỉa hè TP.HCM dừng bán tại chỗ, shipper bàn nhau 'tăng thu nhập, nhưng vẫn lo'

22/05/2021 10:39 GMT+7

Từ 0 giờ ngày 22.5, TP.HCM yêu cầu hàng quán nhỏ ven đường chỉ bán mang về , nhà hàng trên 10 lao động không phục vụ quá 20 người. Shipper TP.HCM bàn nhau trên mạng vì được dịp chạy hết công suất, tăng thu nhập, nhưng... vẫn lo!

Dốc sức cày đơn

Anh Thế Hùng (26 tuổi, shipper Baemin) thường giao hàng quanh khu vực Q.3 cho biết, những ngày gần đây, thông tin về các ca nhiễm ở khu vực có nhiều quán ăn uống khiến anh thấp thỏm, phải cập nhật liên tục.
“Hôm đọc tin quán bánh canh cá lóc O Thanh có ca nhiễm tôi giật mình vì đây là quán “nổ” đơn liên tục của giới shipper. Nhưng bình tĩnh lại thì cả tháng nay tôi không tới đó, hơn nữa mùa dịch làm shipper cũng phải kỹ lắm, lo cho bản thân mình trước hết”, anh Hùng chia sẻ.
Theo lời anh Hùng, nghề shipper không thể lựa chọn được nay gặp những khách hàng nào, ở đâu, mùa dịch lại như “đánh cược với sức khỏe” nên anh và đồng nghiệp luôn phải chủ động tự phòng ngừa cho mình. Khi cảm thấy đủ an toàn rồi, anh cứ vậy lao vào cày đơn, mỗi ngày, anh Hùng cày tới 45 đơn, thu nhập gần 900.000 đồng.

Quán xá khắp Sài Gòn treo biển "bán mang về" những ngày Covid-19 nóng bỏng

Chị Mai Châu Pha (30 tuổi, đối tác của Gojek) cũng cho hay, từ khi có ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM sau kỳ nghỉ lễ, chị nhận được nhiều đơn food (mua đồ ăn) và đơn giao hàng nhiều hơn trước. Để kiếm tiền nuôi con, chị còn tranh thủ chạy thêm cả ban đêm.
Chị kể: “Một ngày tôi thay 7 khẩu trang, rửa tay sát khuẩn sau mỗi đơn đến mức bong cả da tay nhưng công việc này là vậy. Khi TP.HCM không cho hàng quán vỉa hè bán tại chỗ nữa chắc đơn sẽ nhiều hơn, thách thức với shipper nhiều hơn, nhưng cũng là cơ hội để cày, tôi sẽ tranh thủ, có việc mùa dịch này là may rồi”.

Shipper được xếp ghế ngồi giãn cách trước cửa hàng chờ nhận đơn

Ảnh: Cao An Biên

Cũng vì… nghề!

Tương tự, anh Dương Minh Tài (26 tuổi, shipper AhaMove) có công việc chính là sửa chữa điện thoại, đến giờ tan tầm mới làm thêm shipper. Như nhiều đồng nghiệp khác, anh bất an khi nghe tin có ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM, nhưng tự trấn an mình “đeo 2 khẩu trang chắc không sao”. Anh Tài chủ yếu nhận đơn giao là quần áo, đồ ăn hay những món đồ lặt vặt khác. Khi giao hay nhận hàng, anh đều chủ động giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc quá lâu với khách. “Mấy hôm nay, đơn hàng “nổ” nhiều, thu nhập của tôi cũng tăng theo. Bình thường tăng thì vui chứ lần này tăng vầy chạy được mà vẫn hơi ớn”, anh bộc bạch.
Hai ngày qua, nhiều hội nhóm của giới shipper bàn tán rôm rả câu chuyện Covid-19, mọi người nhắc nhau phòng dịch, giữ khoảng cách để còn đường kiếm cơm. Ông Trần Văn Trà (41 tuổi, chủ quán bánh mì que Pháp) cũng cho biết, từ tết đến nay, chưa có yêu cầu của TP.HCM, quán đã chủ động bán mang đi để phòng dịch. Không chỉ vậy, shipper đến quán đều được ông chủ nhắc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn để chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Hai biến chủng virus Covid-19 ở TP.HCM nguy cơ lây lan rất nhanh

Để phòng dịch cho chính mình, anh Trần Phan Tấn (28 tuổi, shipper Now) tâm sự, anh thường đeo 2 khẩu trang, chủ động đứng xa mọi người. “Có quán xếp chỗ cho shipper ngồi giãn cách, có chỗ thì không nhưng shipper luôn tìm cách bảo vệ mình. Chẳng may mình bị bệnh là mệt vì nghề này đi tùm lum”, anh Tấn nói.
Anh Lê Nguyễn Minh Quang (quản lý quán Hanuri, Q.3) cho biết theo quy định, quán chỉ nhận đủ 20 khách, còn lại nhận các đơn hàng mua mang đi. Khoảng 19 giờ ngày 21.5, nhiều khách đến quán phải đi về vì đã đủ số khách bên trong. Riêng đối với các đơn hàng mang đi, quán sắp xếp ghế cách xa nhau ở khu vực trước cửa để shipper ngồi giãn cách, kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi nhận đơn. Theo quan sát, có nhiều lượt khách tìm đến khi quán ăn này đã nhận đủ số lượng người. Sau khi được nhân viên giải thích, họ đều thông cảm và rời đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.