Quan 'vượt rào', vua khen ngợi

Nhân tìm đọc các trang sử liệu về triều Nguyễn, xem có liên quan gì đến việc bán nô tỳ vào thời Gia Long ở Bình Định, lại thấy một đoạn ghi chép về việc vua Gia Long có chiếu dụ khen ngợi một vị Trấn thủ Bình Định, vì 'vượt rào' phát chẩn.

Chuyện quan 'vượt rào'

Trong Đại Nam thực lục (ĐNTL) có ghi chép: Vào tháng 10 năm Gia Long thứ 10, Tân Mùi (1811), Bình Định, Phú Yên bị lũ lụt nặng nề, nhiều người chết đuối, lắm nhà quan lẫn nhà dân đều bị trôi ra biển. Vua Gia Long sai quan Vệ úy Tôn Tất Bính và Tham tri Nguyễn Hữu Thận khẩn cấp đi phát chẩn, và còn dụ rằng: "Nhà nước tích trữ đều là ở dân ta, chẩn cấp cho dân bị tai nạn không thể tiếc phí được". Đoàn phát chẩn đến Phú Yên và Bình Định lập sổ chia hạng dân rồi phát chẩn. "Hạng dân bị thiệt hại nhiều nhất thì được nhận 3 phương gạo; hạng thứ được nhận 2 phương; hạng thứ nữa thì được 1 phương 15 bát. Còn trẻ con thì được một nửa". Tổng số gạo mà Vệ úy Tôn Thất Bính và Tham tri Nguyễn Hữu Thận phát ra cho dân hai tỉnh hơn 23.800 phương, trong đó dân Phú Yên nhận hơn 19.000 phương gạo, dân Bình Định được hơn 4.800 phương gạo (Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNTL, chính biên, đệ nhất kỷ, quyển XLIV, bản dịch Viện Sử học, tập I, NXB Giáo dục, Hà Nội, trang 825). Mỗi phương gạo, theo quy chuẩn được ban vào tháng 7 năm Gia Long thứ 4, Ất Sửu (1805) là 13 thăng, bằng 30 bát đồng gạt bằng miệng (ĐNTL, tlđd, trang 637). Theo một số nhà nghiên cứu về các đơn vị đo lường thời nhà Nguyễn, thì mỗi bát đồng khoảng 0,75 kg, suy ra một phương bằng 25 ký bây giờ.
Tuy nhiên, số liệu này là số liệu "tổng kết" sau khi đoàn chẩn cấp của triều đình ban phát. Trước đó, khi đoàn chẩn cấp chưa tới, Trấn thủ Bình Định là Vương Văn Học đã vội vàng "tùy tiện" phát gạo, muối cho dân bị thiệt hại vì lũ lụt rồi. Nên khi đoàn chẩn cấp của triều đình tới, Vương Văn Học đành dâng sớ xin chịu tội.

Phản ứng của vua

Khi sớ của quan Trấn thủ Vương Văn Học tâu lên, những tưởng nhà vua sẽ trị tội về chuyện "vượt rào" phát chẩn, không ngờ, vua Gia Long lại nói: "Giữ chức chăn nuôi dân phải nên như thế, chứ có tội gì!" (ĐNTL, tlđd, trang 825).
Trong Quốc triều chính biên toát yếu (QTCBTY), cũng ghi vắn tắt về sự việc này: "Tháng 10, Bình Định, Phú Yên lụt to, trại lính và nhà cửa dân gian đều trôi mất hết, cũng có người chết đuối. Ngài (vua Gia Long) sai Vệ úy Tôn Thất Bính, Tham tri Nguyễn Hữu Thận đi vào phát chẩn. Vào tới nơi thời quan trấn Bình Định là Vương Văn Học đã đem muối gạo phát chẩn rồi. Ngài khen lắm." (Quốc sử quán triều Nguyễn, QTCBTY, NXB Thuận Hóa, Huế, 1998, trang 106).

Cuốn Quốc triều chính biên toát yếu (Quốc sử quán triều Nguyễn)

Ảnh: T.L

Nhưng vua Gia Long không chỉ khen quan Trấn thủ Bình Định, ngài tức tốc ban chiếu cho các địa phương: "Tai trời lưu hành xưa nay đời nào cũng có. Thương người bị tai, xót người mắc nạn, chính sách nhân từ lấy đó làm đầu. Nếu các địa phương chợt có tai nạn nên chẩn cấp mà đợi lâu báo thì chậm quá, đã không phải là ý thương dân của triều đình, lại không phải chăm dân của thú, mục. Từ nay phàm chợt có lụt hạn cấp thiết trước mắt thì quan dinh trấn phải thân đi khám xét ngay, chẩn cấp trước rồi tâu sau. Nếu năm nào mất mùa, ruộng lúa tổn hại, thì phải tâu trước kỳ" (ĐNTL, tldd, trang 825). Trong Đại Nam hội điển sự lệ (ĐNHĐSL), quyển 63¸ mục chẩn tế bị thiên tại cũng ghi tương tự, và còn cho biết thêm: Vua Gia Long cũng chỉ dụ cho các quan, không chỉ ở Bình Định, Phú Yên mà còn "cho các quan trấn thuộc hạt Gia Định, Bắc Thành khi gặp tai ương như thế, cho phép một mặt tâu lên, một mặt đích thân đến khám xét, và kịp thời chẩn tế; xong việc thì phúc trình. Riêng việc mùa màng xấu, thu hoạch tổn thất, thì phải tâu lên trước, có chỉ dụ mới được thi hành" (Nội các triều Nguyễn, ĐNHĐSL, bản dịch Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, Huế, tập III, trang 567).
Chuyện "vượt rào" phát chẩn khẩn cấp của Trấn thủ Bình Định Vương Văn Học là một bài học của lịch sử chăm dân của thời phong kiến, nhưng có lẽ, đến giờ vẫn còn nguyên tính thời sự.

Quan Trấn thủ Vương Văn Học là ai?

Thấy ông quan này làm chuyện "vượt rào" mà lại được khen, tôi cố lục trong nhiều tài liệu lịch sử khác, nhưng chưa tìm ra lai lịch cụ thể của ông. Chỉ có thấy một vài chỗ trong Đại Nam thực lục có ghi: Vào tháng 2, năm Tân Dậu (1801), Vương Văn Học là Chánh vệ Vệ Thuận Võ, là một trong 6 tướng thuộc quyền của tướng Nguyễn Văn Trương, dưới trướng Nguyễn Ánh, đem quân tiến ra Quảng Ngãi, Quảng Nam. Vào tháng 2 năm Nhâm Thân, Gia Long thứ 11 (1812), nghĩa là sau khi ông "vượt rào" phát chẩn ở Bình Định 4 tháng, với chức Trấn thủ, Vương Văn Học được thăng Chưởng cơ, và được triệu về làm Phó đô thống chế Hữu dinh quân Thần sách, lãnh Phó đốc trấn Thanh Hoa (sau này đổi thành Hóa), thay Đốc trấn Thanh Hoa là Tôn Thất Chưởng (được triệu về Kinh). Nhưng, Vương Văn Học đến Nghệ An thì bị ốm nặng và mất.
Không biết có phải vì chuyện "vượt rào" phát chẩn được vua khen hay không, mà chỉ trong 4 tháng, theo quan chế thời Gia Long, Vương Văn Học đã được thăng chức khá nhanh, và tương ứng với chức hàm, là từ trật Chánh tam phẩm (Trấn thủ), đến Tòng nhị phẩm (Chưởng cơ), và khi triệu về để làm Phó đốc trấn Thanh Hoa là Chánh nhị phẩm (Phó đô thống chế Hữu dinh quân Thần sách).
Xem trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, có hai ông họ Vương Văn, một là ông Vương Văn Hiệu, người huyện Thượng Hiền, nay thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Mậu Thìn đời Lý Huệ Tông (1194 – 1226); hai là ông Vương Văn Hội, là người huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, từng đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1568, đời nhà Mạc. Cứ nghĩ, có thể quan Trấn thủ Vương Văn Học là hậu duệ của các ông này, nên có tra khảo các phần Nhân vật chí của hai tỉnh Nam Định và Hải Dương trong Đại Nam nhất thống chí, nhưng không thấy có tên Vương Văn Học. Có lẽ phải cần tìm đến những nguồn tài liệu khác, và qua sự bổ sung của nhiều người.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.