Quán xá Đà Nẵng chưa hết khó vì dịch nay đã lo chằng chéo chống bão số 5

17/09/2020 15:06 GMT+7

Nhiều quán xá Đà Nẵng vừa mới buôn bán trở lại không bao lâu sau đợt dịch Covid-19 bùng phát, thì nay các hàng quán đã phải tất bật dọn dẹp, chằng chống nhà cửa, hàng quán để ứng phó với bão số 5.

Chưa “hồi sinh” đã đối mặt nỗi lo bão số 5 đổ bộ

Gần 2 tháng qua, các cơ sở kinh doanh, hàng quán ở TP.Đà Nẵng phải đóng cửa im lìm vì ảnh hưởng dịch Covid-19, đến nay sau khi được nới lỏng giãn cách xã hội, quán xá sắp “hồi sinh” thì chủ các cơ sở lại phải đối mặt với nỗi lo bão số 5 đổ bộ vào thành phố.
Ngay khi nắm thông tin bão số 5 có nguy cơ cao đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến TP.Đà Nẵng, người dân đã tất bật chống bão sau khoảng thời gian dài căng mình chống dịch Covid-19.

Cận cảnh người dân TP.Đà Nẵng đối phó với bão số 5 giật cấp 12

Sáng 17.9, ghi nhận tại các nhà hàng, khách sạn ven biển đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa… (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 5 đang được mọi người thực hiện khẩn trương.

Các hộ kinh doanh tại bãi biển Mỹ Khê khẩn trương di chuyển bàn ghế, tháo dỡ chòi chống bão số 5

ẢNH: H.Đ

Chòi lá được người dân đưa lên bờ trước khi bão đổ bộ

ẢNH: HUY ĐẠT

Chưa hồi sinh sau ảnh hưởng của dịch bệnh, các hộ kinh doanh đã phải lo lắng khi bão số 5 có nguy cơ đổ bộ

ẢNH: HUY ĐẠT

Cùng chồng và các con chuẩn bị bao cát để chằng mái tôn quán nhậu trên đường Hoàng Sa, bà Nguyễn Thị Bé (44 tuổi, trú Q.Sơn Trà) cho biết, sau khoảng thời gian đóng cửa phòng dịch Covid-19, quán nhậu của gia đình mới hoạt động trở lại chưa được 1 tuần thì nghe tin bão số 5 có khả năng đổ bộ vào Đà Nẵng khiến cả nhà lo lắng.
“Dịch bệnh, thiên tai không ai tránh được nên giờ đây cả nhà phải căng mình chuẩn bị bao cát chèn mái quán. Hy vọng bão suy yếu chứ gây thiệt hại thì không biết cách nào để vực dậy nữa”, bà Bé nói.
Cũng theo bà Bé, hiện nay địa phương chưa có thông báo gì liên quan đến việc nghỉ kinh doanh để tránh bão số 5. Tuy nhiên, nếu tình hình thời tiết mưa to, gió lớn thì quán của gia đình bà sẽ chủ động đóng cửa.
Ông Nguyễn Văn Xin (P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, thuộc tổ dịch vụ kinh doanh số 3 biển Mỹ Khê) cho biết, ngay khi biết thông tin bão số 5 có nguy cơ cao đổ bộ vào đất liền vào ngày mai (18.9), ông đã huy động nhân viên và thuê thêm người để chuẩn bị phòng, chống bão. 
“Ứng phó với bão, người dân ven biển như chúng tôi đã có kinh nghiệm. Ngay từ chiều hôm qua (16.9) đã bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh, đưa dù và bàn ghế lên bờ, mọi công tác đều được chuẩn bị kỹ nhất nếu bão đổ bộ thì cũng không thiệt hại nặng”, ông Xin nói.
'Cầu mong bão suy yếu để Đà Nẵng bớt khổ'
Các khách sạn ven biển tại Đà Nẵng chuyên phục vụ khách du lịch vẫn chưa mở cửa trở lại vì ảnh hưởng dịch bệnh, các nhân viên khách sạn vẫn đang trong thời kỳ nghỉ không lương. Tuy nhiên, nhận được thông tin bão đổ bộ, các nhân viên đã tất tả trở lại các cơ sở để tham gia chống bão số 5.
Liên tục đôn đốc các nhân viên khẩn trương dọn dẹp, chèn chống cửa kính… quản lý khách sạn Hải An (Q.Sơn Trà) chia sẻ: “Sáng nay chúng tôi đã bố trí nhân viên gia cố các cửa ra vào, chằng chống những điểm quan trọng, đến trưa nay mọi công tác sẽ hoàn thành. Dịch bệnh đã khiến cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, giờ đây chỉ cầu mong bão suy yếu để người dân Đà Nẵng bớt khổ, hoạt động kinh doanh ở sớm bình thường”.

Nhân viên khách sạn Hải An tất bật chèn chống cửa kính chống bão

ẢNH: HUY ĐẠT

Nhiều khách sạn chưa hoạt động lại vì dịch đã tất bật chống bão

ẢNH: HUY ĐẠT

Chị Trịnh Ngọc Thảo (nhân viên khách sạn tại Q.Sơn Trà) cho biết, từ chiều 16.9, mặc dù đang trong thời gian nghỉ dịch, có người không nhận lương hoặc chỉ nhận được nửa số lương bình thường nhưng nhiều nhân viên tự giác đến khách sạn cùng chung tay chống bão.
“Cảm thấy việc có mặt cùng công ty lúc này là trách nhiệm, đây là khó khăn chung nên chúng tôi đã sẵn sàng nỗ lực hoàn thành việc chống bão trong sáng nay. Hy vọng Đà Nẵng được bình yên”, chị Thảo nói.

Bão số 5 giật cấp 12: Học sinh trên toàn tỉnh Quảng Trị nghỉ học ngày 18.9

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.