Quán xá ế ẩm, phải 'bán đổ bán tháo' đồ đạc, gấp rút trả mặt bằng, vì...

07/03/2024 06:00 GMT+7

Nhiều chủ trẻ than vãn khi tình hình buôn bán èo uột, phải "gồng" lỗ. Có người cho biết chuyện kinh doanh "đứt gánh giữa đường" phải trả mặt bằng. Đâu là những lý do dẫn đến tình cảnh như vậy?

Chỗ để xe không có, nhân viên không niềm nở…

Chị Nguyễn Thị Lệ Hoa (32 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH thương mại Nhân Kim, Q.6, TP.HCM, cho biết từng đến một quán lẩu gà lá é khá nổi tiếng trên đường Nguyễn Gia Trí, Q.Bình Thạnh để ăn cùng nhóm bạn. Nhưng chị kể đó cũng là lần duy nhất đến quán, nhất quyết không quay trở lại, dù cho thức ăn rất ngon.

"Lý do vì quán đó không có chỗ để xe. Phải gửi xe trong hẻm cách quán hơn 150 m. Sau khi gửi xe, về lại quán là thấm mệt. Ăn xong, ra chỗ gửi xe là phải thở dốc cả vài phút mới có thể di chuyển", chị Hoa nói.

Tương tự, Trần Hưng, sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng nói cảm thấy ái ngại với các quán không có chỗ để xe. "Dù cho món ăn, thức uống có ngon cỡ nào mà không có không gian để xe cho khách thì tôi cũng chấm "âm điểm". Trường hợp đã lỡ hẹn bạn bè thì chấp nhận vào quán. Ngược lại, nếu khi đến, nhân viên yêu cầu đi gửi xe ở nơi khác, tôi cảm thấy rất bất tiện nên sẽ… quay đầu, từ chối sử dụng dịch vụ", Hưng nói.

Quán xá ế ẩm, phải 'bán đổ bán tháo' đồ đạc, gấp rút trả mặt bằng, vì...- Ảnh 1.

Quán có chỗ để xe sẽ giúp khách thuận tiện hơn. Có chỗ để xe cũng là "điểm cộng" giúp quán xá thu hút khách

THANH NAM

Theo chia sẻ của nhiều người trẻ, họ sẽ "đến một lần rồi thôi" nếu như quán có chất lượng phục vụ không tốt. Như Huỳnh Thanh Bình (28 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH Thế kỷ số, Q.Tân Bình, kể: "Đã từng đến quán cà phê trên đường Ni Sư Huỳnh Liên gần công ty. Nhưng tôi chỉ ngồi đúng 10 phút rồi rời bàn vì các nhân viên thiếu niềm nở, hỏi khách nhưng không có chủ ngữ, vị ngữ. Họ làm đổ nước cũng không biết xin lỗi khách…".

Nguyên nhân khác mà khách hàng từ chối đến một quán ăn, quán cà phê cũng như các cửa hàng thời trang, buôn bán những mặt hàng khác… là vì có giá "quá chát".

"Tâm lý của khách hàng khi mua hoặc sử dụng bất kỳ sản phẩm nào cũng sẽ có động thái so sánh giá. Nếu những cửa hàng, quán xá có giá cao hơn mặt bằng chung thì chắc chắn sẽ khó được khách ghé đến tìm hiểu, mua sắm, ăn uống. Khi đưa ra mức giá phải chăng, phù hợp, có thể tạo sự cạnh tranh và thu hút khách hàng", chị Nguyễn Thị My (35 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH Beauty Inside, Q.7 cho hay.

Quán xá ế ẩm, phải 'bán đổ bán tháo' đồ đạc, gấp rút trả mặt bằng, vì...- Ảnh 2.

Nhiều nơi kinh doanh vắng khách, ế ẩm

THANH NAM

Anh Lê Minh Thịnh (31 tuổi), từng làm chủ một quán cà phê trên đường Trần Đình Xu, Q.1, cho biết đã… dẹp tiệm và trả mặt bằng vào tháng 11 năm ngoái. Lý do vì fanpage của quán nhận những đánh giá không tốt từ khách hàng.

"Khách chê không gian quán không thoáng đãng. Cũng có người chỉ trích vì nhà vệ sinh cũng như nền quán không sạch sẽ… Khách cho biết cảm thấy khó chịu nên "một đi không trở lại". Tôi nhanh chóng tiếp thu ý kiến và cố gắng điều chỉnh nhưng đã muộn. Vì khách đã từng không có thiện cảm nên không đến quán nữa. Quán dần ít khách hơn. Có ngày chỉ lèo tèo vài khách. Tôi lỗ khá nhiều khi đầu tư quán đó. Tôi xem đó là bài học kinh nghiệm để mở lại quán vào tháng 5 tới ở Q.7. Qua đó có thể giúp khách hàng trải nghiệm dịch vụ một cách tốt hơn", anh Thịnh chia sẻ.

Làm sao để khách vãng lai thành khách thân thiết?

Chị Nguyễn Thị Hải Như (37 tuổi), chuyên gia giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhiều chương trình thuộc các sở Khoa học và công nghệ trên toàn quốc, cho biết khi người trẻ khởi sự kinh doanh, không phải ai cũng thành công. Nhiều trường hợp "nếm trái đắng" chỉ sau một thời gian "cầm cự" rất ngắn. Vì quán xá không có khách, không ít người phải nhanh chóng trả mặt bằng, "bán tháo bán đổ" hoặc sang nhượng đồ đạc trong quán.

Để hạn chế những câu chuyện buồn như trên, chị Như cho rằng khi khởi sự kinh doanh, dù là lĩnh vực, mặt hàng, dịch vụ nào đi chăng nữa, cũng cần lưu tâm nhiều vấn đề.

Có thể kể như những người chủ phải đào tạo nhân viên một cách bài bản về thái độ phục vụ. Qua đó chào đón, quan tâm khách hàng niềm nở. "Đôi khi quán ế không phải bởi bán đồ ăn, thức uống chưa ngon hay mẫu mã sản phẩm không đẹp… mà vì nhân viên có những hành xử chưa tốt", chị Như nói.

Quán xá ế ẩm, phải 'bán đổ bán tháo' đồ đạc, gấp rút trả mặt bằng, vì...- Ảnh 3.

Vắng khách là điều rất buồn với người kinh doanh

THANH NAM

Chị Như cũng bảo để khách đến quán không khó. Nhưng "giữ chân" được khách hàng, khiến họ quay trở lại quán nhiều lần tiếp theo mới khó. Khó nhưng tháo gỡ được bằng những điều đặc biệt.

"Từ những khách mới, vãng lai, nếu muốn họ trở thành khách hàng quen thuộc, thân thiết, bắt buộc phải có dịch vụ chất lượng, cung cấp sản phẩm tốt, giá thành phù hợp. Khi nhóm khách hàng thân thiết nhiều hơn, họ sẽ ghé đến quán thường xuyên, giúp tăng doanh thu, không rơi vào tình trạng vắng khách", chị Như chia sẻ.

Người trẻ khởi sự kinh doanh cũng nên thường xuyên tạo ra các chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng. Ví dụ giảm giá, tặng thẻ khách hàng thân thiết, tặng quà kèm theo, ưu đãi khi mua số lượng lớn…

Chị Hồ Thị Nguyệt Dung (31 tuổi), chủ quán cà phê New Life, đường Hoàng Diệu 2, TP.Thủ Đức, chia sẻ kinh nghiệm khi mở quán để kinh doanh cần tìm mặt bằng có vị trí thuận lợi, dễ tìm kiếm, đi lại, cũng như có không gian để khách gửi xe. Nếu không thể đáp ứng yêu cầu này, cần đẩy mạnh marketing, quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút khách hàng.

Ngoài ra, theo chị Dung, những người chủ trẻ cần phải thường xuyên trau dồi các kỹ năng như: giao tiếp, lắng nghe, thấu hiểu, quản lý nhóm… để áp dụng trong quá trình kinh doanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.