Tự động phát
Thời gian gần đây, cái tên Nguyễn Quang Hải nhận được sự chú ý rất lớn từ người hâm mộ. Anh sẽ khoác áo CLB Pau của Pháp nếu vượt qua được kỳ kiểm tra thể lực.
Quang Hải có thành công ở nước Pháp hay không? Đó vẫn là một câu hỏi chờ sự giải đáp từ chính ngôi sao của đội tuyển Việt Nam ở mùa giải 2022-2023 sắp tới. Đối với sự nghiệp của mỗi cầu thủ Việt Nam, việc xuất ngoại, tìm cơ hội thi đấu và khẳng định mình ở những đội bóng có chất lượng chuyên môn tốt hơn V-League được xem là một ước mơ mà không phải ai cũng làm được. Trước khi Quang Hải sang Pháp, nhiều cái tên như Huỳnh Đức, Công Vinh, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Hậu và Tuấn Anh đã thử sức ở những môi trường bóng đá khác nhau. Khó để nói họ đã thành công, tất cả đều không tìm được vị trí chính thức, dù đã nỗ lực rất nhiều. Vậy, những khó khăn gì đang chờ đợi Quang Hải và những cầu thủ đi trước đã phải đối diện với những vấn đề gì?
1. Môi trường thi đấu có tính cạnh tranh khốc liệt
Môi trường thi đấu, hay gọi đúng hơn là chất lượng chuyên môn của giải đấu được xem là một yếu tố vô cùng quan trọng. Những năm gần đây, bóng đá Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều khi chúng ta áp dụng nhiều phương pháp đào tạo mới cũng như có nhiều sân chơi để các cầu thủ phát triển, nâng cao sự cạnh tranh, từ đó mặt bằng chất lượng chuyên môn của cầu thủ tăng lên. Tiêu biểu cho thành công của bóng đá Việt Nam là việc U.23 lọt vào trận chung kết U.23 châu Á ở Thường Châu (Trung Quốc), đội tuyển Việt Nam vào đến tứ kết ASIAN Cup 2019, vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Dù vậy, các cầu thủ khi ra nước ngoài thi đấu lại gặp rất nhiều vấn đề khác nhau. Khác với V-League, những giải vô địch quốc gia mà cầu thủ Việt Nam từng góp mặt như Hàn Quốc, Nhật Bản, Bỉ và thậm chí là Thái Lan có chất lượng chuyên môn cao hơn V-League. Không thích nghi nhanh bằng đồng đội, không hiểu rõ chiến thuật của HLV có thể được xem là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc các cầu thủ Việt Nam phải ngồi trên băng ghế dự bị.
Đối với trường hợp của Quang Hải, anh đã chọn Ligue 2 làm điểm đến của mình. Đây có thể được xem là một lựa chọn an toàn và phù hợp với việc xuất ngoại của Quang Hải.
2. Sự khác biệt về ngoại ngữ, văn hóa
Đối với việc xuất ngoại, sự thích nghi về phong cách sinh hoạt, văn hóa cũng được xem là một điều vô cùng quan trọng đối với cầu thủ của Việt Nam. Khi sang nước ngoài thi đấu, ngoài yếu tố chuyên môn, chiến thuật, việc am hiểu lối sống, nếp sinh hoạt, văn hóa cũng không kém phần quan trọng để giúp các cầu thủ Việt Nam bắt nhịp tốt hơn với các đồng đội trên sân. Thế nhưng, nhiều cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu vẫn thường được đánh giá là khá rụt rè, chưa hòa nhập tốt với các đồng đội, đó cũng là một phần nguyên nhân để dẫn đến việc thất bại khi xuất ngoại.
3. Yếu tố tâm lý
Đến với một giải đấu có mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn đòi hỏi các cầu thủ phải cố gắng, tập luyện một cách chăm chỉ để ghi điểm trong mắt các đồng đội cũng như ban huấn luyện. Các cầu thủ phải hiểu một điều rằng khi chơi bóng ở Việt Nam, họ có thể rất giỏi vì ở đó họ có đồng đội, lối chơi và một HLV quen thuộc nhưng khi sang nước ngoài, mọi thứ hoàn toàn lạ lẫm. Chính vì thế, khoảng thời gian đầu, vấn đề cải thiện thể lực, yếu tố chuyên môn để hòa nhập với lối chơi của toàn đội chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn.
4. Áp lực từ người hâm mộ
Một yếu tố khác mà các cầu thủ phải vượt qua nó chính là những sự kỳ vọng từ người hâm mộ ở nước nhà. Gần đây nhất, trường hợp của Đoàn Văn Hậu đã cho ta thấy rõ được điều đó. Dù Văn Hậu đã phát triển rất nhiều ở đội bóng Heerenveen của Hà Lan cả về thể lực, thể hình cũng như yếu tố chuyên môn nhưng cuối cùng hậu vệ của CLB Hà Nội hiện tại đã không thể trụ lại Heerenveen trong sự tiếc nuối của phần đông cổ động viên.
Xuất ngoại suy cho cùng là ước mơ của mọi cầu thủ Việt Nam nhưng khẳng định vị trí chính thức ở đội bóng mới thì không phải ai làm được. Quang Hải vẫn được xem là niềm kỳ vọng, tạo nên dấu ấn lịch sử nếu được trọng dụng, được ra sân trong đội hình chính và trở thành trụ cột ở CLB Pau của nước Pháp.
Bình luận (0)