Quảng Nam ‘chia‘ nguồn nước cho Đà Nẵng, người dân khu vực ngăn đập gặp khó

27/06/2022 12:54 GMT+7

Việc tỉnh Quảng Nam có chủ trương đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để lấy nước về giải mặn cho TP. Đà Nẵng đang khiến người dân trong khu vực bức xúc vì mạch nước ngầm xuống thấp, gây thiếu hụt nước sinh hoạt và nước sản xuất...

Nhiều người dân ở xã Đại An (H.Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết từ những năm trước, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương thống nhất cho TP.Đà Nẵng đắp đập ngăn sông Quảng Huế (đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An), với mục đích tăng lượng nước ngọt cung cấp cho TP.Đà Nẵng và phục vụ nước sản xuất cho TX.Điện Bàn (Quảng Nam).
Tuy nhiên, theo phản ánh, việc đắp đập ngăn sông trong thời gian qua đã tác động tiêu cực đến đời sống của nhiều hộ dân ở 4 thôn trên địa bàn xã.

Phải hài hòa lợi ích hai bên

Ông Trần Sinh (55 tuổi, ở thôn Phú Phước, xã Đại An) cho biết sau khi tỉnh có chủ trương cho đắp đập tạm Quảng Huế nhằm giải mặn cho TP.Đà Nẵng, vào mùa nắng mạch nước ngầm xuống thấp dẫn đến tình trạng nước sinh hoạt và nước sản xuất thiếu hụt nghiêm trọng.
Ngược lại, vào mùa mưa, lực cản của con đập trên sông Quảng Huế (đoạn qua thôn Phú Nghĩa) tạo dòng xoáy gây sạt lở bờ kè và nhiều diện tích đất sản xuất hoa màu của người dân. Việc sạt lở ngày một nghiêm trọng này gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản nhiều hộ dân, nhất là mùa lũ đang cận kề.

Đập tạm được đắp trên sông Quảng Huế khiến người dân bức xúc vì khiến thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt vào sản xuất và mùa hè

mạnh cường

“Tại các cuộc họp, người dân cũng phản ánh về tình trạng này. Việc ngăn đập tạm để giải mặn cho TP.Đà Nẵng thì chúng tôi không ý kiến gì, nhưng việc đắp đập tạm cần phải có giải pháp để làm sao đó phải hài hòa được lợi ích hai bên. Điều đáng nói, việc đắp đập tạm trên sông Quảng Huế tác động trực tiếp đến đời sống của đại đa số người dân trên địa bàn xã nhưng chưa được tổ chức lấy ý kiến nhân dân”, ông Sinh nói.

Ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đại An, cho biết địa phương đã tiếp nhận những phản ảnh về việc đắp đập tạm khiến mạch nước ngầm xuống thấp vào mùa nắng dẫn đến nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất khu vực hạ du sông Quảng Huế thiếu hụt nghiêm trọng. Riêng mùa mưa lũ năm 2020 và 2021 đã gây sạt lở 150m bờ kè và 1,5ha đất sản xuất tại thôn Phú Nghĩa. Hiện nay, vị trí sạt lở cách nhà người dân 50m.

“Người dân cho rằng việc đắp đập tạm trên sông Quảng Huế là đúng chủ trương, nhưng quá trình đắp đã phát sinh một số vướng mắc. Những vấn đề người dân phản ánh thì vượt tầm xử lý của xã nên chúng tôi chỉ kiến nghị lên cấp trên”, ông Hòa nói.

Những bao tải cát được chất thành hàng trên sông Quảng Huế để đưa nước ngọt về cho người dân TP.Đà Nẵng

mạnh cường

Theo ông Hòa, địa phương đã có văn bản kiến nghị lên cấp trên sớm có chủ trương khắc phục đoạn kè hạ du sông Quảng Huế để khoảng 15 hộ dân thôn Phú Nghĩa gần khu vực sạt lở yên tâm sinh sống. Trong quá trình thi công đắp đập tạm trên sông, cần có giải pháp phù hợp để điều tiết mực nước về hạ du sông Quảng Huế để nhân dân đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô.
Đồng thời, người dân cũng kiến nghị hỗ trợ kinh phí cho người dân đóng giếng sâu để vào mùa khô có nước sinh hoạt.

“Nếu không sớm khắc phục vấn đề sạt lở bờ kè thì mùa mưa lũ năm nay rất nguy hiểm cho người dân. Mưa lũ năm 2021, chúng tôi buộc phải lên sơ tán các hộ dân ở khu vực này đi đến nơi ở mới nhằm đảm bảo an toàn”, ông Hòa thông tin thêm.

Sớm tháo gỡ những khó khăn cho nhân dân

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND H.Đại Lộc, cho hay sau khi tiếp nhận phản ánh của nhân dân xã Đại An, huyện đã tổng tổng hợp các kiến nghị từ nhân dân và đã có báo cáo với UBND tỉnh về vấn đề này. Đồng thời, kiến nghị tỉnh quan tâm, hỗ trợ nhằm khắc phục một số đoạn sạt lở trên tuyến kè sông đoạn qua thôn Phú Nghĩa.

Đập tạm trên sông Quảng Huế

mạnh cường

“Thời gian đến khi tỉnh làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai đầu tư đập tạm ngăn mặn thì huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành của tỉnh để tham mưu UBND tỉnh giải quyết các kiến nghị của bà con nhân dân. Ngoài ra, kiến nghị tỉnh có phương án xử lý hài hòa giữa việc đắp đập chỉnh dòng nước về cho phía Đà Nẵng, phục vụ nước sinh hoạt cho bà con nhân dân; phải đảm bảo nguồn nước cho bà con xã Đại An để phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt”, ông Quang nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đại Lộc, cho biết cuối tháng 2.2022, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn tiếp tục thống nhất chủ trương đắp đập trên sông Quảng Huế để tăng lưu lượng nước về hạ du sông Vu Gia.

Việc đắp đập tạm trên sông Quảng Huế đã gây ra tình trạng sạt lở bờ kè khiến đe dọa đến cuộc sống của nhiều hộ dân

mạnh cường

Theo ông Vĩnh, để kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân, Ban Dân vận Huyện ủy Đại Lộc đã kiến nghị, đề xuất lên Ban Dân vận Tỉnh ủy kiến nghị với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cần có buổi đối thoại, thông tin, trao đổi với nhân dân xã Đại An các vấn đề liên quan đến công trình đập ngăn sông. Đồng thời, lắng nghe ý kiến tham gia thảo luận, đề xuất của người dân, tháo gỡ khó khăn nhằm tạo sự đồng thuận.

Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị, mới đây, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký văn bản đề nghị Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND H.Đại Lộc, UBND xã Đại An và các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể tình hình và xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân xã Đại An. Đồng thời, báo cáo đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

Những năm gần đây, cứ vào mùa nắng nóng là nước sông Cẩm Lệ (nhận nước từ sông Vu Gia) tại khu vực cửa thu nước vào nhà máy nước Cầu Đỏ (cung cấp 92% nước sạch cho toàn TP.Đà Nẵng) lại bị nhiễm mặn một cách thường xuyên.

Để khắc phục tạm thời việc nhiễm mặn, Đà Nẵng phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Trong đó, có biện pháp đắp đập tạm ở sông Quảng Huế để ngăn nước sông Vu Gia chảy qua sông Thu Bồn, đưa cửa thu nước thô lên thượng nguồn sông Cẩm Lệ, đóng kè ngăn nước mặn xâm thực ở hạ lưu nhà máy nước Cầu Đỏ...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.