Quảng Nam lại sạt lở, nhiều nơi bị chia cắt

01/12/2020 05:30 GMT+7

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi Quảng Nam tiếp tục xảy ra sạt lở, nhiều nơi bị chia cắt.

Công tác tìm kiếm 17 nạn nhân vẫn còn mất tích do sạt lở núi đành phải tạm dừng do mưa lớn.

Phú Yên: Hai thủy điện xả lũ

Ngày 30.11, Nhà máy thủy điện Sông Hinh (Phú Yên) đã xả lũ với lưu lượng 1.700 m3/giây, cộng với xả nước chạy máy54 m3/giây nên lưu lượng mà thủy điện này xả về hạ du đã lên 1.754 m3/giây. Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ cho biết do nguồn nước về nhiều cùng với thủy điện Krông Năng đang xả lũ với lưu lượng khoảng 500 m3/giây nên chiều cùng ngày, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã nâng mức xả nước từ 254 m3/giây lên1.000 m3/giây, trong đó xả lũ qua tràn 600 m3/giây và xả nước chạy máy 400 m3/giây. Theo Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ, hiện nước thượng nguồn đang tiếp tục về nên Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ sẽ xả lũ lên 1.500 m3/giây.    Đức Huy
Chiều qua 30.11, ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My (Quảng Nam), cho biết mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện bị sạt lở trở lại và gây chia cắt, đặc biệt là tuyến QL40B. Người dân ở vùng nguy cơ sạt lở đã chủ động di dời đến nơi an toàn.
Tại H.Bắc Trà My, mưa lớn từ khuya 29 đến sáng 30.11 khiến lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về nhiều. Vì vậy, nước đã băng qua 2 cầu ngầm tại sông Trường, sông Nước Oa gây chia cắt tuyến QL40B. Mưa lũ cũng gây chia cắt, cô lập hoàn toàn nhiều xã trên địa bàn H.Bắc Trà My và cả địa bàn H.Nam Trà My. Chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng chốt chặn, cấm người và phương tiện qua lại các khu vực cầu cống, ngầm bị ngập, chia cắt và các điểm nguy cơ sạt núi.

Tạm dừng tìm kiếm nạn nhân mất tích

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng (H.Nam Trà My), cho hay do trên địa bàn xảy ra mưa lớn nên sáng 30.11 công tác tìm kiếm 13 nạn nhân mất tích do vụ sạt lở núi ở nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng) tạm dừng để đảm bảo an toàn cho lực lượng chức năng. Sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm, hiện vẫn chưa tìm thấy thêm nạn nhân vụ sạt lở.

Ninh Thuận: Di dời hơn 300 hộ dân đề phòng lũ quét

Trong 2 ngày 29 - 30.11, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 - 230 mm, cá biệt có nơi lượng mưa lên đến 376,2 mm, gây ngập lụt ở nhiều khu vực dân cư. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Ninh Thuận đã tổ chức di dời 142 hộ/463 khẩu ở các xã Tân Hải, Xuân Hải, Hộ Hải (H.Ninh Hải) và 167 hộ/667 khẩu sinh sống gần khu vực ven sông, suối, hạ lưu hồ thủy lợi có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu ở các xã Phước Nam, Nhị Hà, Phước Hà (H.Thuận Nam) đến khu vực an toàn. Đến chiều 30.11, đã có 270 căn nhà ở các xã Phước Nam, Cà Ná, Phước Dinh (H.Thuận Nam) bị ngập nước; nhiều tuyến đường nội tỉnh bị hư hỏng nặng và hơn 1.000 cây lúa, nho, táo... của nông dân trong tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ.    
Thiện Nhân
Theo ông Cường, hiện một số con suối nước dâng cao, chảy xiết nên mọi phương tiện lưu thông không vào địa bàn xã được. Trước nguy cơ xảy ra lũ quét nếu mưa lớn vẫn kéo dài, địa phương sơ tán khoảng 100 người dân sinh sống dọc ven sông suối, nơi có nguy cơ sạt lở đất đá đến ở tạm các lều, nhà kiên cố ở xã. Đồng thời, cung cấp lương thực, thực phẩm đủ cho bà con ở xã được khoảng hơn 1 tháng.
Tại xã Phước Lộc (H.Phước Sơn), sáng qua 30.11, lực lượng chức năng cùng với lực lượng tại chỗ cũng đã tạm dừng tìm kiếm 4 nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở núi chiều 28.10 do mưa lớn. Ngoài ra, tuyến đường từ trung tâm xã Phước Lộc vào thôn 3 chưa thể thông tuyến vì có nhiều điểm sạt lở đất lớn, trong khi phương tiện máy móc chưa thể vào được. Tuyến đường ĐH2 nối từ xã Phước Thành đến Phước Lộc lại xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất đá; địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người tham gia giao thông chú ý. “Chúng tôi cũng đã sơ tán hơn 50 người dân ở thôn 3. Về lương thực, thực phẩm đủ cung cấp cho bà con trong vòng 3 tháng”, ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, nói.
Lúc 17 giờ chiều qua 30.11, Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Quảng Nam cũng đã điều tiết hạ thấp mực nước hồ Phú Ninh với lưu lượng từ 1.000 - 1.500 m3/giây. Mực nước hồ ở thời điểm
10 giờ sáng qua là 32,35 m. Theo ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Quảng Nam, đơn vị đã thông báo các địa phương theo dõi, phổ biến đến người dân hạ du chủ động đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Theo Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên trong 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to. Đồng thời, cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét tại các sông suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, ven sông suối thuộc các huyện: Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Đại Lộc, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức. Khả năng xảy ra ngập úng cục bộ tại Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, TP.Hội An và TP.Tam Kỳ.
Dự báo trong 6 đến 12 giờ tới, lũ trên sông Vu Gia dao động, trên sông Thu Bồn và Tam Kỳ tiếp tục lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.