Quảng Nam: Tốc độ lây lan đau mắt đỏ nhanh, bệnh nhân tăng đột biến

15/09/2023 18:03 GMT+7

Đó là nhận định của nhiều bác sĩ trên địa bàn Quảng Nam khi nói về bệnh đau mắt đỏ, hiện thuốc điều trị cũng trở nên khan hiếm.

Bệnh nhân tăng đột biến

Những ngày qua, số lượng bệnh nhân đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để khám vì đau mắt đỏ tăng đột biến.

Tại Bệnh viện (BV) Mắt Quảng Nam, trước đó BV chỉ tiếp nhận lượng bệnh nhân đến khám và điều trị mắt chỉ khoảng 2 - 5 ca/ngày, nhưng trong vòng 3 ngày trở lại đây tăng lên 20 - 30 ca/ngày, đa số là bệnh nhân dưới 18 tuổi (chiếm khoảng 70%).

Bác sĩ Nguyễn Minh Thu, Phó giám đốc BV Mắt Quảng Nam, cho biết dịch viêm kết mạc xảy ra quanh năm, nhưng đợt này tốc độ lây truyền bệnh rất nhanh. Bệnh đau mắt đỏ thường khởi phát 3 - 7 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh.

Triệu chứng phổ biến gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ; trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, viêm họng, viêm đường hô hấp, sốt…

Theo bác sĩ Thu, trẻ em có thể lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng hoặc do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh...

Bác sĩ Lê Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) H.Núi Thành (Quảng Nam), cho biết tính đến chiều 14.9, điều tra sơ bộ trên toàn địa bàn huyện xác định có hơn 4.600 ca mắc bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, tại TTYT huyện, cơ số thuốc trong danh mục BHYT để điều trị dịch bệnh này đã... hết từ mấy tháng trước.

Tốc độ lây bệnh đau mắt đỏ còn nhanh hơn cả Covid-19 - Ảnh 2.

Nhiều bệnh nhân đến khám bệnh đau mắt tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh

MẠNH CƯỜNG

Theo bác sĩ Tiến, hiện kết quả đấu thầu thuốc cho năm 2023 vẫn chưa có, trong khi thuốc dự trù của năm 2022 đã dùng hết. Vì vậy, khi người dân đến khám mắt tại TTYT huyện phải mua thuốc từ bên ngoài.

Tại H.Duy Xuyên, số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ và tình trạng khan hiếm thuốc điều trị cũng tương tự. Bác sĩ Trần Độ Nhân, Giám đốc TTYT H.Duy Xuyên, cho biết những ngày gần đây đơn vị tiếp nhận điều trị từ 120 - 150 bệnh nhân mỗi ngày.

"Hiện nay, thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ khá khan hiếm, nhưng TTYT huyện vẫn cố gắng đảm bảo để cấp miễn phí cho người dân", bác sĩ Nhân nhận xét.

"Cháy hàng" thuốc điều trị

Khảo sát nhanh tại các nhà thuốc lớn trên địa bàn TP.Tam Kỳ, PV Thanh Niên nhận thấy một số loại thuốc nhỏ mắt hỗ trợ điều trị viêm kết mạc, lẹo mắt, viêm mi mắt được nhiều người lựa chọn như TobraDex Alcon, Oflovid Saten… đã không còn hàng để bán trong vài ngày gần đây.

Đáng chú ý, các dung dịch dùng để vệ sinh mắt cũng "cháy hàng". Trong đó, dung dịch nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9% đã hết sạch nhiều ngày nay do sức mua tăng đột biến.

Tốc độ lây bệnh đau mắt đỏ còn nhanh hơn cả Covid-19 - Ảnh 3.

Nhiều bệnh nhân tìm đến các cơ sở y tế để mua thuốc trị đau mắt đỏ

MẠNH CƯỜNG

Đại diện một nhà thuốc ở TP.Tam Kỳ cho hay, do tâm lý lo sợ khi dịch cao điểm sẽ hết thuốc nên nhiều người đã ồ ạt mua dự phòng, dẫn đến thiếu hụt một số loại thuốc. Trong khi đó, theo thông tin từ các đơn vị cung ứng, dự kiến cuối tuần này các loại dung dịch vệ sinh mắt, thuốc nhỏ mắt sẽ ổn định nguồn hàng trở lại.

Bác sĩ Nguyễn Minh Thu, Phó giám đốc BV Mắt Quảng Nam, khuyến cáo để phòng bệnh đau mắt đỏ hiệu quả, người dân cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để ngăn nguồn lây và mầm bệnh. Ngoài ra, không nên đưa tay lên mắt, mũi, miệng, vùng mặt để tránh tình trạng đưa mầm bệnh lên mắt.

"Vệ sinh mắt, mũi, họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý, ít nhất 3 lần/ngày (sáng, trưa, tối). Không dùng chung đồ với người bệnh như khăn mặt, kính mắt. Đối với những người đã bị bệnh mắt đỏ thì nên đeo khẩu trang y tế, đây cũng là biện pháp hiệu quả hạn chế lây lan tiếp xúc trực tiếp… Cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh và người nghi mắc bệnh đau mắt đỏ", bác sĩ Thu nói.

Khi người dân có biểu hiện mắc bệnh đỏ mắt, cần đến ngay cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở chuyên khoa mắt chứ không nên tự ý mua thuốc nhỏ mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Bởi nhiều loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh hoặc hợp chất Corticoid có thể gây nên tình trạng khô, rát, tổn thương cho mắt, kéo dài thời gian điều trị… gây nguy hiểm cho mắt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.