Quảng Nam ứng phó thiên tai, lấy sạt lở Trà Leng làm 'bài học xương máu'

11/09/2024 10:48 GMT+7

UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, đối với câu chuyện sạt lở, Quảng Nam lấy vụ sạt lở Trà Leng làm 'bài học xương máu'.

Sáng 11.9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết trước diễn biến bão lũ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở các tỉnh, thành phía bắc, UBND tỉnh vừa quyết định phê duyệt phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn tỉnh.

Phương án nhằm huy động các nguồn lực để chủ động ứng phó có hiệu quả trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra trong phạm vi quản lý; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, di sản văn hóa, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu do thiên tai có thể gây ra.

Quảng Nam ứng phó thiên tai, lấy sạt lở Trà Leng làm 'bài học xương máu'- Ảnh 1.

Hiện trường vụ sạt lở núi ở xã Trà Leng xảy ra vào cuối năm 2020 khiến hàng chục người chết và mất tích

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Phương châm ứng phó: nhanh, kịp thời, hiệu quả; có sự chỉ đạo, chỉ huy, triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương, đơn vị và người dân nhằm đảm bảo được các mục tiêu đã đặt ra.

Đáng chú ý, trong phương án, công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được giao cụ thể cho các cơ quan, đơn vị theo các cấp độ rủi ro để ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt...

Hậu quả thảm khốc sau bão Yagi: 200 người chết và mất tích

Về tổ chức thực hiện, UBND, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) cấp huyện được giao chỉ đạo rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro.

Trong đó, đối với nội dung phương án sơ tán dân, chỉ đạo thực hiện rà soát danh sách hộ gia đình có nhà kiên cố, cập nhật phương án sơ tán dân theo phương châm "4 tại chỗ"; tăng cường tối đa công tác di dời, sơ tán tại chỗ, xen ghép; hạn chế sơ tán tập trung.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện phương án theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị rà soát, hoàn chỉnh phương án di dời, sơ tán dân cho phù hợp.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo ban chỉ huy quân sự huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu rà soát kế hoạch ứng phó cụ thể với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn; đặc biệt là phương án sơ tán nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt và ảnh hưởng của bão; hướng dẫn, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"...

Hướng về miền Bắc: Lời kêu gọi chung tay ủng hộ đồng bào sau bão số 3

Lấy vụ sạt lở Trà Leng làm "bài học xương máu"

Miền Trung là vùng đất hằng năm thường gánh những cơn bão lớn, trong đó tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương từng xảy nhiều trận sạt lở núi kinh hoàng khi bão vào, khiến nhiều người chết, mất tích như các vụ Trà Leng, Phước Sơn, trong cơn bão số 9 vào năm 2020.

Vì vậy, đúc kết kinh nghiệm, trước khi bão vào, việc đầu tiên của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng là phải rà soát, kiểm tra những nơi hiểm yếu, có nguy cơ cao về sạt lở núi, lũ quét, những ngôi nhà, bản làng ở dưới những đồi núi, khe suối, hoặc những khu đồi trọc ít cây rừng. Đây có thể là nơi nguy cơ dễ bị sạt lở núi khi bão vào, mưa lớn kéo dài…

Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My (Quảng Nam), cho hay để chủ động phòng ngừa với mưa bão xảy ra trên địa bàn, trước mùa mưa bão hằng năm, huyện đã yêu cầu các địa phương, đơn vị sẵn sàng triển khai ứng phó với tình hình thời tiết phức tạp, nguy hiểm có thể xảy ra, nhất là công tác sơ tán người dân tại các khu dân cư có nguy cơ sạt lở đất.

Chính quyền huyện bố trí lực lượng trực đảm bảo 24/24, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống thiên tai…

Ông Mẫn cho rằng, đối với huyện miền núi như Nam Trà My thì câu chuyện phòng chống sạt lở khi mùa mưa lũ đến đã được chuẩn bị ngay từ đầu.

Vấn đề sắp xếp dân cư tại những vùng có nguy cơ sạt lở huyện cũng đã bố trí xong, đảm bảo an toàn từ rất sớm. Câu chuyện phòng chống sạt lở đã được huyện chủ động lên phương án, kế hoạch cụ thể, đầy đủ.

"Chúng tôi lấy vụ sạt lở núi nghiêm trọng ở xã Trà Leng (Nam Trà My) từ năm 2020 làm 'bài học xương máu' trong công tác phòng chống thiên tai", ông Mẫn thông tin thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.