Chiều 29.9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTN-TKCN) tỉnh Quảng Nam cho biết, đã gửi văn bản đến Công ty Cổ phần thủy điện Đak Mi, Công ty Cổ phần thủy điện Sông Bung, Công ty Cổ phần thủy điện A Vương yêu cầu vận hành hạ dần mực nước các hồ thủy điện.
Thủy điện Đak Mi 4 vận hành, điều tiết lũ trước đó |
MẠNH CƯỜNG |
Cụ thể, Ban chỉ huy PCTN-TKCN tỉnh yêu cầu các chủ hồ thủy điện tổ chức vận hành luân phiên 12 giờ nhằm hạ dần mực nước các hồ chứa thủy điện Sông Bung 4, A Vương, Đak Mi 4 về "cao trình mực nước cao nhất trước lũ" (để đảm bảo dung tích đón lũ) trước 19 giờ ngày 6.10.
Tuy nhiên, việc vận hành phải đảm bảo yêu cầu không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết nguyên nhân việc yêu cầu các công ty này hạ mực nước để đảm bảo dung tích đón lũ là do hiện nay các hồ thủy điện có mực nước cao hơn mực nước quy định, nên buộc phải hạ xuống.
“Đợt mưa vừa rồi, các thủy điện giữ lại nước hồ để giảm ngập lụt cho hạ du khiến nước hồ lên cao. Tuy nhiên, hiện nay hạ du đang ổn định, mực nước dưới báo động 1, nên buộc phải hạ mực nước hồ xuống để đúng quy định, chứ mùa lũ mà để mực nước cao là rất nguy hiểm”, ông Tý nói.
Theo ông Tý, việc đón lũ hay không là theo dự báo thời tiết. Nếu trong trường hợp dự báo có mưa thì buộc phải tính toán xem nước về hồ thủy điện bao nhiêu, khả năng hồ giữ lại bao nhiêu và phải đưa xuống hạ du bao nhiêu. Nói chung, phải có bài toán, kỹ thuật và ứng với từng thời điểm, từng kịch bản thì sẽ hạ mực nước trong hồ để đảm bảo điều tiết lũ về cho hạ du.
Ngoài yêu cầu hạ dần mực nước hồ, các chủ hồ chứa cần tổ chức thông tin, thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ; thường xuyên cung cấp bản tin dự báo lũ về hồ và số liệu mưa các trạm đo trên lưu vực hồ về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTN-TKCN tỉnh Quảng Nam để theo dõi.
Bình luận (0)