Quảng Nam: Yêu cầu GĐ Sở GD-ĐT báo cáo việc giới thiệu 3 công ty tư vấn sửa chữa trường

12/11/2021 13:49 GMT+7

Liên quan việc Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam ký công văn giới thiệu 3 công ty tư vấn sửa chữa, cải tạo trường học trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu báo cáo, giải trình về việc này.

Trưa 12.11, trao đổi với PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết liên quan đến việc ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam ký công văn giới thiệu 3 công ty tư vấn sửa chữa, cải tạo trường học trên địa bàn, tỉnh sẽ yêu cầu báo cáo vụ việc cụ thể.

“Tại buổi giao ban tuần sau (thứ 2 đầu tuần – PV), tỉnh sẽ yêu cầu anh Hà Thanh Quốc báo cáo cụ thể về vụ việc này”, ông Thanh nói.

Các doanh nghiệp đều bất ngờ

Theo tìm hiểu, 3 công ty gồm Công ty cổ phần kỹ thuật xây dựng Quảng Nam, Công ty TNHH tư vấn xây dựng Quảng Nam và Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Nam Phát Thịnh được giới thiệu, đều do Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam tự đề tên, các công ty này không có tờ trình hay yêu cầu.

Công văn do ông Hà Thanh Quốc ký giới thiệu 3 công ty tham gia sửa chữa trường học

c.x

Ông Nguyễn Thanh Thảo, đại diện pháp luật của Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Nam Phát Thịnh cho hay bản thân khá bất ngờ khi nghe tin Sở GD-ĐT tỉnh đề xuất công ty tư vấn sửa chữa, cải tạo trường học trên địa bàn.

“Trước đây công ty cũng có trúng 2 gói thầu sửa chữa trường học nhưng không qua Sở GD-ĐT. Vì nhà trường không có chuyên môn nên khi nhận công trình, công ty đều làm hết các thủ tục, hồ sơ cho đến khi quyết toán với Sở Tài chính. Cái này trường giới thiệu hay sao thì chúng tôi không rõ. Việc này, công ty chúng tôi không hề có đơn hay tờ trình gửi cho Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam”, ông Thảo nói.

Ông Nguyễn Quang Sinh, đại diện Công ty TNHH tư vấn xây dựng Quảng Nam cũng nói rằng, công ty không hề có đề xuất gì với Sở GD-ĐT về việc tư vấn, sửa chữa trường.

“Có thể họ nghĩ công ty có năng lực nên tự họ đưa tên công ty vào. Việc thấy tên công ty trong công văn của Sở cũng khá bất ngờ”, ông Sinh chia sẻ.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, việc cải tạo, sửa chữa các trường học và phân cấp giao về cho các trường làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, các thầy hiệu trưởng lại không có chuyên môn nên rút kinh nghiệm những lần trước, năm nay Sở đã mời các thầy hiệu trưởng lên họp, hướng dẫn, cung cấp các văn bản về quy trình, tổ chức thực hiện cho bài bản.

Thu hồi văn bản vì có nhiều ý kiến trái chiều

Theo ông Quốc, trên tinh thần xuất phát từ đề nghị của các thầy hiệu trưởng, bộ phận chuyên môn Sở đã giới thiệu 3 công ty nói trên. Việc giới thiệu nhằm mục đích để nhà trường dễ làm hồ sơ, chứ không phải đấu thầu. Tuy nhiên, khi đưa công văn thì xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người nghĩ “ưu ái”. “Việc có nhiều ý kiến trái chiều cũng không hay nên tôi mới ký công văn thu hồi”, ông Quốc khẳng định.

Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam

mạnh cường

Như Thanh Niên đã thông tin, trước đó, công văn số 2369/SGDĐT-VP do ông Hà Thanh Quốc ký, gửi các trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú về việc triển khai sửa chữa các trường học năm 2021.

Theo công văn, Sở GD-ĐT có quyết định số 2182 về việc phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, tổng kinh phí hơn 26 tỉ đồng để sửa chữa 29 trường học trong năm 2021.

Ngày 6.10, Sở đã họp với hiệu trưởng các trường để hướng dẫn việc sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất. Sở giới thiệu 3 công ty tư vấn là Công ty cổ phần kỹ thuật xây dựng Quảng Nam, Công ty TNHH tư vấn xây dựng Quảng Nam và công ty TNHH đầu tư và xây dựng Nam Phát Thịnh.

Sở GD-ĐT đề nghị các trường với tư cách là chủ đầu tư có quyền xem xét và lựa chọn các đơn vị tư vấn phù hợp với công trình của mình.

Công văn này sau đó gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Trong ngày 11.11, ông Hà Thanh Quốc ký công văn 2421/SGDĐT-VP về việc thu hồi công văn số 2369/SGDĐT-VP. Công văn này nêu rõ: quá trình soạn thảo văn bản, Tổ quản lý dự án văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam (đã tham mưu ban hành công văn 2369) diễn đạt chưa rõ ý, dễ gây hiểu nhầm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.