Quảng Ninh: Bệnh nhân cúm A tăng cao bất thường

16/07/2022 10:41 GMT+7

Từ đầu tháng 7 đến nay, các bệnh viện ở Quảng Ninh tiếp nhận số ca mắc cúm A tăng cao bất thường. Đáng lo ngại, mùa hè thường không phải là thời điểm bệnh này bùng phát.

Ngày 16.7, thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, địa phương này có gần 900 ca mắc cúm A, nhiều nhất là ở H.Hải Hà với trên 280 ca. Số trường hợp mắc cúm A ở các địa phương trong tỉnh đều tăng đột biến.

Bệnh nhân mắc cúm A ở Quảng Ninh tăng cao trong thời gian gần đây

n.h

Ghi nhận tại Bệnh viện Bãi Cháy cho thấy, số lượng bệnh nhân mắc cúm A tăng đột biến so với thời điểm cùng kỳ với khoảng từ 20 - 30 bệnh nhân.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Thanh Hoa (Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy), đa số các bệnh nhân nhập viện do cúm sốt cao, đau mỏi toàn thân, viêm đường hô hấp cấp với các biểu hiện hắt hơi sổ mũi ho, viêm phổi…

Nguyên nhân tình hình dịch cúm A bùng phát thời điểm này một phần do người dân chủ quan không thực hiện đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Hơn nữa đây là thời gian nghỉ hè, mọi người đi du lịch, giao lưu, gặp gỡ nhiều hơn nên tốc độ lây lan tăng.

Đáng chú ý, những ngày qua, không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng là đối tượng mắc cúm A. Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy ghi nhận số lượng trẻ mắc cúm A tăng đột biến với trên dưới 20 bệnh nhi một ngày.

Những triệu chứng trẻ gặp phải khi nhiễm cúm là: sốt cao, đau đầu, mỏi người, viêm đường hô hấp như hắt hơi, sổ mũi; một số bệnh nhi có biến chứng nặng như viêm phế quản, viêm tai giữa.

Bác sĩ Hà Thị Duyên (Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết để phòng tránh cúm A, phụ huynh nên tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm cho trẻ trước hai tuần đến một tháng trước thời điểm dịch cúm diễn ra vào mùa đông xuân (tháng 3, 4, 9, 10 trong năm). Khi trẻ có dấu hiệu nặng như tiêu chảy, sốt cao, li bì, ăn uống kém, nôn thì cần phải nhập viện điều trị. Cùng với đó, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng, tránh tập trung đông người khi đang có dịch cúm.

Cúm A thường lây lan với tốc độ nhanh, đặc biệt đối với người lớn và trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Trước tình trạng bệnh nhân cúm tăng bất thường thời điểm này, để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần thực hiện đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.

Ngoài ra, cần đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.