Ngày 16.7, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, chủ trương dùng đất đá từ bãi thải mỏ làm vật liệu san lấp các dự án của địa phương này đang triển khai chậm tiến độ, do vướng mắc về thủ tục pháp lý và ngoài thẩm quyền xử lý của tỉnh này.
Giải trình với HĐND tỉnh Quảng Ninh, tại kỳ họp thứ 2, ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN-MT Quảng Ninh, lý giải nguyên nhân việc chậm tiến độ nói trên là do đất, đá thải mỏ là hoạt động khoáng sản đi kèm than.
Chính vì vậy, việc quản lý như là khoáng sản thông thường, thẩm quyền xử lý thuộc về Bộ TN-MT, muốn sử dụng được nguồn đất đá nói trên, UBND tỉnh Quảng Ninh phải báo cáo xin ý kiến Bộ TN-MT.
|
Đáng chú ý, việc sử dụng đất đá từ các bãi thải mỏ sẽ phải làm thay đổi báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng đơn vị ngành than. Vì vậy, khi tỉnh có nhu cầu sử dụng, các doanh nghiệp ngành than phải thay đổi thủ tục về môi trường trước nên mất nhiều thời gian.
Cũng theo ông Trần Như Long, để đẩy nhanh tiến độ, trong thời gian tới, địa phương này tiếp tục bám sát quy trình của Bộ TN-MT để sớm hoàn thiện các thủ tục; đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư sớm làm việc với ngành than về khối lượng, đơn giá để sẵn sàng vận chuyển vật liệu khi hoàn thiện thủ tục.
Theo Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh, địa phương này có 59 dự án khai thác than, với 6 bãi thải lớn của ngành than đang hoạt động. Trong khi đó, mỗi năm các đơn vị thuộc Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam thải từ 250 - 300 triệu m3 đất đá tại các mỏ lộ thiên và gần 1,3 triệu m3 xít thải của các nhà máy tuyển than.
Mỗi năm gần đây, ngành than phải đổ trên 100 triệu m3 đất đá thải mỏ. Có những bãi thải mỏ tồn tại hàng trăm năm, hiện chất như núi như: bãi Đông Cao Sơn cao hơn 300 m, bãi Cọc Sáu cao 280 m, bãi Nam Đèo Nai cao 200 m. Những "núi thải" này đang ngày đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống nhân dân và còn tạo thành những quả “bom bùn” treo lơ lửng trong mùa mưa lũ.
Trước đó, vào tháng 3, kiểm tra các bãi thải mỏ tại TP.Hạ Long, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, Quảng Ninh và ngành than sẽ quyết tâm đổi mới tư duy, tầm nhìn để xây dựng và triển khai các đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn đất đá thải mỏ đang chiếm dụng hàng nghìn héc ta đất mỗi năm và gây ra những hệ lụy khôn lường về môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.
Bình luận (0)