Quảng Ninh hào hứng thi tuyển lãnh đạo sở, ngành

23/07/2015 08:00 GMT+7

Từ năm 2013, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp sở, ngành. Nhiều kinh nghiệm thực tiễn đã được đưa ra thảo luận trong cuộc làm việc giữa tỉnh này với Ban Tổ chức Trung ương hồi cuối tuần qua.

Từ năm 2013, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp sở, ngành. Nhiều kinh nghiệm thực tiễn đã được đưa ra thảo luận trong cuộc làm việc giữa tỉnh này với Ban Tổ chức Trung ương hồi cuối tuần qua.

Mỗi vị trí thi tuyển lãnh đạo của Quảng Ninh đều thu hút nhiều thí sinh dự tuyển - Ảnh: Bích Ngọc
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, từ năm 2013 đến tháng 6.2015, đơn vị này đã tổ chức 6 đợt thi tuyển 14 chức danh lãnh đạo, quản lý với 67 ứng viên dự thi. Đối tượng và phạm vi cuộc thi được mở rộng ra cả những thí sinh chưa phải là công chức, tại các doanh nghiệp để chọn được người thực sự có tài. Qua thi tuyển, đã bổ nhiệm được 29 cán bộ; trong đó có 14 người được bổ nhiệm tại hội đồng thi do đạt điểm cao nhất, 15 người được bổ nhiệm sau vào các chức danh tương đương, do đạt điểm bảo lưu trên 80 điểm.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc, đến thời điểm này, nhiều cán bộ ở Quảng Ninh đang rất hào hứng được đăng ký thi tuyển. Có được “khí thế” này, theo ông Đọc là do các cuộc thi tuyển đã đảm bảo tiêu chí công khai - minh bạch nên tạo ra được sự khích lệ trong cán bộ, người tài. “Hiện Quảng Ninh đã tạm dừng thi tuyển theo yêu cầu chung của Bộ Chính trị. Nhưng mọi người đang rất háo hức chờ đề án thí điểm mới của trung ương sớm được ban hành”, ông Đọc chia sẻ.
Theo ông Phạm Quang Hưng, Phó vụ trưởng Vụ IV, Ban Tổ chức Trung ương, đây là tín hiệu đáng mừng. Vì nếu thi tuyển khắc phục được tâm lý e ngại của cán bộ, khích lệ nhiều người tham gia thì đó chính là biểu hiện của việc thi tuyển thực chất.
Chấm năng lực lãnh đạo hay chuyên môn?
Tuy đánh giá cao đề án thi tuyển của Quảng Ninh đã bám khá sát với nội dung dự thảo đề án của trung ương, nhưng nhiều ý kiến vẫn tỏ ra băn khoăn về thành phần hội đồng thi tuyển.
Theo bà Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, với quan điểm hội đồng thi tuyển phải là cấp có thẩm quyền quyết định về công tác cán bộ nên toàn bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đều tham gia.
“Về sau này, chúng tôi cũng điều chỉnh, bổ sung vào hội đồng thi tuyển hai đại diện: một là của cơ quan tham mưu khối chính quyền đối với các vị trí thi tuyển thuộc khối này, cụ thể là giám đốc sở nội vụ; người còn lại là thủ trưởng đơn vị sẽ sử dụng thí sinh trúng tuyển”, bà Hoàng cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Hưng, thành phần hội đồng thi tuyển của nhiều bộ, ngành trung ương lại có điểm khác biệt so với Quảng Ninh. “Đơn cử trường hợp Bộ GTVT, không phải toàn bộ tập thể Ban Cán sự Đảng của các đơn vị này đều tham gia vào hội đồng. Ngoài vị trí chủ tịch hội đồng là do đại diện lãnh đạo Bộ thì còn có sự tham gia của đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, cùng một số chuyên gia uy tín, đầu ngành về lĩnh vực có nhu cầu bổ nhiệm”, ông Hưng nói. Theo đó, với thành phần hội đồng thi tuyển đa dạng như trên, việc đánh giá về năng lực chuyên môn của thí sinh sẽ được chuyên sâu hơn.
Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Phương Đông, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương, phân tích: Nên làm rõ yêu cầu thi đối với chức danh cấp trưởng và cấp phó. Đối với chức danh cấp trưởng, sẽ chú trọng đến việc đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý đơn vị hoặc ngành. Còn đối với chức danh cấp phó, với chức năng nhiệm vụ tham mưu cho cấp trưởng những lĩnh vực chuyên sâu hơn thì nên nhấn mạnh hơn đến yếu tố năng lực chuyên môn.
Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng: Sắp tới đây, trong đề án chung về thí điểm đổi mới thi tuyển lãnh đạo trình Bộ Chính trị, cũng nên làm rõ quy định về hội đồng thi tuyển sẽ là hội đồng chuyên môn hay hội đồng quản lý? Hoặc dung hòa cả hai tiêu chí trên? Tuy nhiên vẫn phải bảo đảm, giữ vững nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý đội ngũ cán bộ.
“Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cụ thể là chủ tịch hội đồng thi tuyển. Điểm chấm thi của vị này phải được nhân hệ số 1,5 hoặc 2 để thể hiện thẩm quyền của họ so với các thành viên còn lại trong hội đồng”, ông Chính phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.