Quảng Ninh vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính, An Giang đứng cuối bảng

17/04/2024 10:47 GMT+7

Với kết quả đạt 92,18%, năm 2023 là năm thứ 6 Quảng Ninh đứng đầu cả nước bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính. Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính là An Giang, với 81,32%.

Đây là kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các tỉnh, thành phố được Bộ Nội vụ thông tin sáng 17.4, tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.

Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư

Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư

THU HẰNG

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, chỉ số cải cách hành chính là công cụ quản lý hiệu quả đã được Bộ Nội vụ ban hành và triển khai áp dụng đến nay là năm thứ 12 để giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố; đồng thời, giúp các bộ, cơ quan, địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những kết quả được, những tồn tại hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính để có giải pháp cải thiện, nâng chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính hàng năm tại cơ quan, đơn vị mình.

Để triển khai, đánh giá xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 89.000 phiếu, trong đó, có 39.765 phiếu của người dân và 49.458 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là công chức, lãnh đạo, quản lý tại các bộ, địa phương và lãnh đạo các hội, hiệp hội.

Đây là một cuộc điều tra xã hội học có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức.

Lần đầu tiên 63 địa phương đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 80%

Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được sử dụng đánh giá, xếp hạng 63 UBND tỉnh, thành phố, với 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong số đó, có 32 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, trong năm 2023, chỉ số cải cách hành chính của các tỉnh, thành phố đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình năm 2023 đạt 86,98%, cao hơn 2,19% so với năm 2022.

Đây là lần thứ 5 liên tiếp có chỉ số cải cách hành chính của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%.

Trong lịch sử đánh giá từ năm 2012 đến nay, năm 2023 là năm đầu tiên cả 63 tỉnh, thành phố đều đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 80%. Cùng với đó, 32/63 địa phương đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính cao hơn mức trung bình của cả nước; 57/63 tỉnh, thành phố có Chỉ số cải cách hành chính tăng trưởng cao hơn so với năm 2022, với tỉnh tăng cao nhất là 9,39%, tăng thấp nhất là 0,03%.

6 địa phương có kết quả giảm nhưng mức giảm không đáng kể, trong đó tỉnh giảm nhiều nhất là 2,91% và tỉnh giảm ít nhất là 0,51%.

Kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 các tỉnh, thành phố được phân theo 2 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, có 7 tỉnh, thành phố. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% đến dưới 90%, có 56 tỉnh, thành phố.

Theo đánh giá, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính với kết quả đạt 92,18%. Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính cả nước.

Xếp vị trí thứ 2/63 là TP.Hải Phòng, đạt 91,87% và đây là năm thứ 4 liên tiếp địa phương này đạt kết quả chỉ số trên 90%.

Một số địa phương khác cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác cải cách hành chính, như: Hà Nội đạt 91,43%, xếp thứ 3/63; Bắc Giang đạt 91,16%, xếp thứ 4/63 và Bà Rịa - Vũng Tàu, đạt 91,03%, xếp thứ 5/63.

Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 là tỉnh An Giang, đạt 81,32%. Qua đánh giá, năm 2023 tỉnh An Giang còn một số nội dung cải cách hành chính còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: chậm công bố, công khai thủ tục hành chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính một số nơi chưa nghiêm; còn khá nhiều nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023 nhưng tỉnh An Giang chưa hoàn thành hoặc hoàn thành muộn so với quy định...

Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 khá thấp là Sóc Trăng, đạt 81,70%, xếp thứ 62/63; Bình Thuận, đạt 81,87%, xếp vị trí thứ 61/63.

Đánh giá chung của Bộ Nội vụ, thông qua Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 cho thấy, các tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Cạnh đó, các địa phương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, biện pháp cụ thể, tháo gỡ nhiều khó khăn, rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả cải cách trên từng lĩnh vực, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, kết quả đánh giá, xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 cũng cho thấy một số tiêu chí, tiêu chí thành phần cho kết quả đánh giá còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra và có sự phân hóa rõ rệt giữa địa phương trong việc triển khai các nội dung cải cách cụ thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.