Quảng Ninh xoay xở ‘cứu’ du lịch

08/11/2021 07:54 GMT+7

Trong khi một số doanh nghiệp du lịch' target='_blank' rel='noopener noreferrer'>du lịch, đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu ">du lịch, dịch vụ tại Quảng Ninh hoạt động cầm chừng để giảm lỗ, đợi khách, nhiều doanh nghiệp khác đã xoay xở tìm lối ra bằng sản phẩm thích ứng an toàn trong dịch Covid-19, cùng sự hỗ trợ về bộ tiêu chí phục vụ du lịch an toàn của chính quyền địa phương.

Tiến thoái lưỡng nan

Hơn 2 năm liên tiếp chịu thiệt hại từ các đợt dịch Covid-19, ngành du lịch Quảng Ninh đang rơi vào cảnh kiệt quệ. Hệ thống tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi… đóng cửa, hàng nghìn nhân viên mất việc làm.
Trong làn sóng dịch lần thứ 4, mặc dù Quảng Ninh giữ được địa bàn an toàn, đã trải qua hơn 110 ngày không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, song đến thời điểm này, khi nhiều tỉnh thành lân cận mở cửa trở lại sau giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ tỉnh này vẫn lưỡng lự trước việc mở cửa hoạt động trở lại.

Khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long

Lã Nghĩa Hiếu

Bà Nguyễn Lan Hương, Giám đốc Công ty Công ty TNHH du lịch Thuận Hoàng, cho biết trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, đơn vị có gần 3 nhà hàng, khách sạn tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua phải đóng cửa 2/3 nhà hàng, hàng loạt nhân viên phải tạm nghỉ việc.

“Việc mở lại các nhà hàng bây giờ chúng tôi rất đắn đo bởi lo cho sức khoẻ của nhân viên. Nếu không may đón phải F0 thì toàn bộ hệ thống phải ngưng hoạt động, lo chi phí điều trị cho nhân viên, trả lương, mặt bằng,... chưa kể sau một thời gian tạm nghỉ trước đây, doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên”, bà Hương nói.

Anh Hoàng Văn Trọng, chủ nhà hàng Trọng Khách, cũng cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang “tiến thoái lưỡng nan” trong quyết định hoạt động trở lại.

“Hơn 1 năm qua, doanh thu của nhà hàng chúng tôi không có, nếu tiếp tục mở cửa trở lại thì phải gánh khá nhiều chi phí như thuê mặt bằng, nhân công… trong khi lượng khách ít do tâm lý lo ngại của người dân chưa đi du lịch trong dịp này”, anh Trọng nói, và bày tỏ mong muốn “cơ quan chức năng có chính sách kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp để kích thích thị trường”.

Ghi nhận của Thanh Niên những ngày qua cho thấy, tại các khu du lịch Tuần Châu, Bãi Cháy… chỉ lác đác nhà hàng, cơ sở dịch vụ mở cửa đón khách trở lại, và hầu hết đều vắng khách.

Covid-19 sáng 8.11: Cả nước 968.684 ca nhiễm, 840.402 ca khỏi | Đã tiếp nhận 124 triệu liều vắc xin

Xây dựng mô hình du lịch an toàn

Thông tin từ Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, tỉnh này bắt đầu đón khách du lịch từ ngày 1.11, tuy nhiên chỉ những cơ sở kinh doanh đạt tiêu chí an toàn phòng dịch mới được đón khách; và việc đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 áp dụng đối với tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Việc đánh giá này sẽ được thực hiện định kỳ 1 lần/tuần và công bố trước 12 giờ thứ sáu hằng tuần.

Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn của cơ sở du lịch gồm 24 nội dung cơ bản và 11 nội dung khuyến khích. Cụ thể, chính quyền địa phương yêu cầu các cơ sở dịch vụ du lịch phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí đảm bảo an toàn như: có kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc bệnh tại cơ sở; có tổ, đội, phòng ban phòng, chống dịch; niêm yết mã QR và bảng thông tin hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; trên 95% người lao động tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19; lập đường dây “nóng”; bố trí bồn khách sử dụng dịch vụ phải đảm bảo đúng nguyên tắc khoảng cách, giãn cách tại mọi không gian; lắp đặt vách ngăn tại khu vực lễ tân, quầy bán vé, quầy thanh toán, bàn ăn uống;… có phòng, khu vực cách ly tạm thời;…

Ông Đoàn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP du thuyền Đông Dương, cho biết các doanh nghiệp ủng hộ việc siết chặt công tác phòng dịch và không để “tham bát bỏ mâm”.
“Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc xây dựng các tour, hành trình khép kín với số lượng đoàn nhỏ rất phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay. Bản thân chúng tôi không muốn rủi ro khi phải đón khách chưa được tiêm vắc xin hoặc đến từ vùng có nguy cơ cao”, ông Dũng nói.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Thị Bảo cho biết thêm, cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Ninh phần lớn đều tung ra các chương trình du lịch khép kín theo tour trọn gói để bảo vệ chính mình cũng như người thân trong gia đình và cộng đồng. Theo bà Bảo, đây cũng là xu thế mới mà bản thân khách hàng cũng hướng đến.
Về việc này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH lữ hành và dịch vụ quốc tế Ánh Dương, cho hay: "Chúng tôi đưa ra các sản phẩm tour cho từ 4 - 6 khách, và khách hàng có thể sử dụng linh hoạt các dịch vụ trong tour, không phải sử dụng trọn gói. Cùng với đó, chúng tôi thông tin đến khách hàng về phòng chống dịch bệnh của những địa phương nơi đến, tập huấn cho nhân viên về các quy định về phòng chống dịch bệnh, lên các kịch bản về các nguy cơ xảy ra lây nhiễm trong quá trình đưa khách đi du lịch".

Khách du lịch vào Quảng Ninh cần đáp ứng điều kiện gì?

Quảng Ninh chỉ đón khách du lịch đến từ vùng xanh (vùng cấp độ 1). Đối với người tiêm đủ 2 mũi vắc xin sẽ không phải làm xét nghiệm, nhưng nếu chỉ tiêm 1 mũi thì phải có xét nghiệm nhanh âm tính; chưa tiêm mũi nào phải có xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ (tính từ khi lấy mẫu đến khi vào Quảng Ninh).

Du khách từng mắc Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh phải có giấy xác nhận và có xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ, tính từ khi lấy mẫu đến khi vào Quảng Ninh. Những người ở độ tuổi chưa đủ điều kiện tiêm hoặc chống chỉ định tiêm phải có xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ, tính từ khi lấy mẫu đến khi vào Quảng Ninh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.