Từ trưa 16.9, do xuất hiện nhiều ca Covid-19 trong cộng đồng, toàn TP.Đông Hà (Quảng Trị) đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, lập hàng chục chốt kiểm soát phòng chống Covid-19 để kiểm soát người vào, ra TP.Đông Hà. Cũng từ đó, cảnh tiếp tế hàng hóa cho vùng phong tỏa diễn ra tấp nập, đông đúc.
|
Do có yếu tố dịch tễ, chợ Đông Hà, ngôi chợ lớn nhất tỉnh Quảng Trị, cũng đóng cửa từ 18 giờ ngày 18.9 nên lượng hàng hóa tiếp tế đổ về các điểm chốt đặt ở cửa ngõ vào TP.Đông Hà đang giãn cách.
|
Trong 2 ngày 19 và 20.9, PV Thanh Niên đã có mặt tại điểm chốt kiểm soát Covid-19 do UBND H.Cam Lộ lập trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Thanh An (H.Cam Lộ) để ghi nhận tình hình.
“Bây giờ có thể là chưa căng lắm, nhưng nếu giãn cách kéo dài thì cũng… khó nói. Người ở bên ngoài lo người thân ở trong thành phố thiếu đồ ăn, đặc biệt là rau”, vừa bốc hàng lên xe để chở về nhà, chị Ngô Thanh Vân (trú P.3, TP.Đông Hà) nói.
|
Trong khi đó, chị Lê Chị Chi (trú P.5, TP.Đông Hà) thậm chí còn "huy động" người thân ở cả 2 bên nội ngoại (hiện đang sống ở H.Gio Linh) tiếp tế.
Điều phối việc nhận hàng không để người dân tiếp xúc nhau
Trước cảnh tấp nập đông đúc này, lực lượng chức năng tại chốt mướt mồ hôi để hướng dẫn người dân vận chuyển hàng qua chốt.
Trung úy Hoàng Đức Linh, Đội CSGT- trật tự Công an H.Cam Lộ (chốt trưởng tại chốt kiểm soát) cho biết trong 4 ngày qua rất đông người dân đến chốt để giao nhận hàng. Người nhận từ TP.Đông Hà ra, người giao từ các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh vào...
“Hàng hóa rất đa dạng, từ mớ rau, con cá, miếng thịt… Người giao và người nhận thường là người thân, bạn bè của nhau, giúp nhau trong hoạn nạn hoặc là những người có mối buôn bán, làm ăn với nhau. Chúng tôi đều tạo điều kiện cho bà con chuyển hàng tiếp tế nhưng cắt cử thanh niên tình nguyện và thay phiên nhau hướng dẫn họ thực hiện đúng quy định”, trung úy Linh nói.
|
Cụ thể, nhân viên chốt ngăn 2 hàng rào và để ở khoảng giữa 1 tấm lót. Người giao đặt hàng ở đó rồi quay về, lúc này người nhận sẽ tới chỗ tấm lót nhận hàng rồi đi. “Họ không được tiếp xúc gần với nhau, đó là nguyên tắc”, trung úy Linh nói.
|
|
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Tuấn, thôn đội trưởng thôn Phổ Lại, xã Thanh An, H.Cam Lộ (thành viên của chốt), cho hay mỗi ngày nhóm công tác phải chia làm 2 ca (từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối và ngược lại).
“Mỗi ngày có đến hàng trăm lượt người dân vào ra khu vực tiếp tế hàng hóa là lương thực thực phẩm, nhưng cao điểm nhất là vào khoảng 4 - 5 giờ sáng. Nhiều khi anh em trong chốt cũng mướt mồ hôi chỉ để hướng dẫn bà con đi đứng cho đúng, bỏ hàng đúng vị trí”, ông Tuấn nói.
|
Cũng tại chốt Covid-19 này, PV ghi nhận sự xuất hiện của nhiều shipper. Ông Nguyễn Bá Ngọc (47 tuổi, trú P.5, TP.Đông Hà) làm nghề chạy xe ôm, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát thì chuyển sang nghề mới, chở hàng tươi sống, tôm cá. Cứ khi có đơn là ông lại chạy ra chốt nhận hàng.
“Người ta giao bằng cách bỏ dưới đất rồi đi lui, sau đó tôi tới nhận. Khi vào TP.Đông Hà tôi cũng bỏ ở ngoài cửa địa điểm nhận rồi đi. Chuyện tiền bạc hàng hóa như thế nào là của ngươi ta tự xử lý, tôi chỉ nhận tiền công của mình”, ông Ngọc cho biết.
|
|
|
Để việc vận hành công tác tiếp tế được thuận tiện, an toàn, trung úy Hoàng Đức Linh nhắn gửi người dân cần chủ động trong việc xin giấy đi đường mới có thể ra được chốt và khi đã ở chốt cửa ngõ TP.Đông Hà, phải chấp hành các nội dung hướng dẫn của cán bộ chốt, để người được an toàn mà hàng cũng nhận đủ.
Bình luận (0)