'Quay cuồng' giá đất

14/04/2018 07:41 GMT+7

Chỉ vài giờ, vài ngày, giá một khu đất có thể tăng lên đến hàng trăm triệu đồng. Cơn sốt đất cuối năm 2017 vừa bị dập tắt thì nay lại bùng phát dữ dội hơn ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Một ngày chuyển nhượng qua tay 4 - 5 lần ?
Dẫn chúng tôi vào xem đất tại khu cầu Cây Xanh (đường Bình Mỹ, ấp 7, xã Bình Mỹ, H.Củ Chi, TP.HCM), một cò đất tên Hương chỉ hàng loạt khu đất kế nhau, toàn sình lầy, cỏ dại mọc cao hơn người nhưng đều đã có chủ và qua nhiều đời chủ. Chỉ một khu đất có diện tích gần 2.500 m2 đất trồng cây lâu năm, Hương giới thiệu: “Cách đây một năm bảy tháng, có người mua hơn 900 triệu đồng. Sau bốn lần chuyển nhượng, mới đây nhất khu đất này đã có giá hơn 8 tỉ đồng mà trong đó chỉ có 300 m2 đất thổ cư”. Cũng theo lời Hương, khu vực ấp 7, xã Bình Mỹ mấy tháng nay các đầu nậu đổ về “mua đất như mua rau”. Có miếng đất trong một ngày chuyển nhượng qua tay đến 4 - 5 lần, hưởng chênh lệch đến hàng trăm triệu đồng.
Một cò đất tên Tuấn dẫn chúng tôi đến xem khu đất có diện tích 3.609 m2, trong đó có 300 m2 đất ở trên đường Võ Văn Bích (H.Củ Chi), trên sổ đỏ thể hiện là đất trồng cây lâu năm. Dù hiện trạng chỉ là một bãi đất hoang, cỏ đốt nham nhở, đường vào đổ một lớp đá dăm lởm chởm nhưng cũng hét giá 7,2 tỉ đồng.
Ông N.D.M, một đầu nậu từ Q.Gò Vấp (TP.HCM), mấy tháng nay ăn dầm nằm dề ở xã Bình Mỹ, cho biết đầu năm 2017, thửa đất 723, tờ bản đồ số 31 tại xã Bình Mỹ và lô đất liền kề có diện tích gần 3.000 m2 có giá 1,5 tỉ đồng, nhưng ông chê đắt không mua. Một năm sau quay lại, giá lô đất này đã lên tới 3 tỉ đồng. “Sau ba ngày đặt cọc thì tôi đã bán được 3,5 tỉ đồng”, ông M. khoe.
Không chỉ H.Củ Chi, cơn sốt đã và đang lan sang nhiều quận, huyện khác. Chiều 11.4, nhân viên môi giới đất tên Thơ dẫn chúng tôi ghé vào dự án Nam Khang trên đường Nguyễn Duy Trinh (Q.9, TP.HCM) cho biết cách đây 2 tháng giá đất nền ở khu vực này chỉ 28 - 29 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 35 triệu đồng/m2 mà “không có để bán”. Đáng nói 3 năm trước, giá đất nơi đây chỉ 13 triệu đồng/m2.
Hỏi có chỗ nào giá rẻ hơn, Thơ dẫn chúng tôi đi xem tiếp một khu đất trên đường Tam Đa (Q.9) vẫn còn mênh mông cỏ dại nhưng cũng được hét với giá 20 triệu đồng/m2. Giá gốc khách hàng mua trước đó chỉ 13,5 triệu đồng/m2 và chưa thanh toán. “Anh mua thì sang tên, thanh toán phần chênh lệch cho người ta là xong”, Thơ nói dứt khoát. Một số dự án nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh (Q.9) hiện đã có sổ đỏ, nếu cách đây một tuần được chào với giá 25 triệu đồng/m2 thì nay được đẩy lên 30 - 35 triệu đồng/m2.
Quanh khu vực Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), chưa lâu trước khi có thông tin nghĩa trang Bình Hưng Hòa di dời giá đất bình quân chỉ 40 triệu đồng/m2 thì nay giá đã tăng gần 3 lần. Đơn cử giá đất đường Kênh Nước Đen bị đẩy lên mức gần 100 triệu đồng/m2, đường Gò Dầu, Tân Kỳ - Tân Quý, Bình Long... cũng được hét tới 91 triệu đồng/m2...
Bão giá “quét” qua nhiều tỉnh, thành
Cơn bão giá đất cũng đang hoành hành ở Phú Quốc. Anh Th., có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, mới mua 3 lô đất với giá 800 triệu đồng/lô 100 m2 ở Phú Quốc, cho biết cách đó chưa đầy 2 tháng, lô đất anh mua chỉ có giá chưa tới 500 triệu đồng; thời điểm trước Tết Nguyên đán, cũng lô đất này được rao bán với giá 350 triệu đồng.
“Tôi cũng tính lướt sóng kiếm lời nhưng tình hình này có khi lại bị chôn vốn ở đây mất”, anh Th. lo lắng nói sau thông tin đất Phú Quốc bị thanh tra. Một nhà đầu tư tên Chuyền ở Hải Phòng cũng đang tìm cách bán 2 lô đất mua ở Phú Quốc cách đây chưa đầy 1 tháng nhưng không được. “Ai cũng nói giá tăng mạnh lắm nên tôi ham. Giờ mới thấy hình như mình mua ở giá đỉnh, muốn bán chắc phải chịu lỗ”, anh Chuyền than thở. Theo đánh giá, đây là cơn sốt mạnh nhất ở Phú Quốc trong một thập niên qua, giá đất tăng gấp 3 - 4 lần chỉ trong một thời gian ngắn.
Tại tỉnh Đồng Nai, H.Nhơn Trạch và H.Long Thành trở thành điểm nóng khi giá đất bị giới đầu tư đẩy lên tăng chóng mặt. Nếu như năm 2010, một lô đất ở xã Long Tân (H.Nhơn Trạch) khoảng 900.000 đồng/m2, đến năm 2017 mới lên 1,5 triệu đồng/m2 thì đến nay được hét tới 6,5 triệu đồng/m2. Tại khu vực xã Long Phước (H.Long Thành) nếu như năm 2017 giá khoảng 3 triệu đồng/m2, thì nay lên khoảng 7 triệu đồng/m2. Những loại đất phân lô này tăng giá do “cò” và các công ty phân lô bán nền đẩy lên. Thực tế giá đất nông nghiệp không biến động nhiều do việc tách thửa, phân lô ở Đồng Nai đang hạn chế.
Tương tự, ở Bình Dương, những khu vực Dĩ An, Lái Thiêu, Bến Cát... đất nền pháp lý rõ ràng thì mỗi ngày mỗi giá. Đáng nói là giá tăng do người bán chứ không phải người mua. Đặc biệt, ở đâu có thông tin sắp làm hạ tầng là giá tăng mạnh. Như ở Bến Cát trong vòng 6 tháng tăng từ 50 - 100%, thậm chí 200% tùy vị trí. Các nền ở dự án Golden do Công ty Kim Oanh làm chủ đầu tư từ tháng 10.2017 đến nay từ giá hơn 6 triệu đồng/m2 nay tăng lên 17 triệu đồng/m2.
Phá rừng, chiếm đất ở vịnh Vân Phong diễn ra phức tạp
Ngày 13.4, UBND tỉnh Khánh Hòa có buổi làm việc với UBND H.Vạn Ninh (Khánh Hòa) về tình hình quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn. Theo báo cáo của UBND H.Vạn Ninh, thời gian qua, thông tin địa phương sẽ trở thành đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong nên giao dịch đất đai, giá đất tăng đột biến. Cùng với đó, tình hình lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, phá rừng... diễn biến phức tạp, tập trung tại các xã Vạn Thạnh, Vạn Thọ, Vạn Hưng. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 8 khu vực bị người dân chặt phá cây với tổng diện tích khoảng 14 ha đất lâm nghiệp, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp.
Nguyễn Chung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.