Vậy là tròn một năm dịch Covid-19 xuất hiện ở VN, tất cả các ngành nghề đều bị ảnh hưởng, thu nhập của nhiều người dân bị giảm đi rõ rệt. Tình hình khó khăn hơn khi tết đang đến gần và xuất hiện nhiều ca dương tính trong cộng đồng. Nhiều người trẻ chia sẻ, trong “nguy” là “cơ”, Covid-19 như một cái cớ thích hợp để trả lại một cái tết đúng nghĩa, giản dị, tiết kiệm, tôn trọng giá trị tinh thần hơn vật chất xa xỉ.
Không tích trữ thực phẩm thừa mứa
Võ Thúy Hằng, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (trú Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết họ hàng bên ngoại ở ngay gần nhà, còn ông bà nội của cô ở Đà Nẵng. Trước tết, bố mẹ Hằng đã tranh thủ về thăm, biếu quà tết ông bà. Năm nay, thu nhập của bố mẹ Hằng đều giảm vì dịch Covid-19, nên mọi người đều chủ động chi tiêu tiết kiệm hơn.
“Thường thì 28 tết gia đình em xuống chợ hoa đêm trên đường Phan Huy Ích mua 2 chậu cúc vạn thọ về chưng. Ăn uống ngày tết cũng đơn giản. Bánh kẹo tết thì chỉ mua một ít. Chiều 30 tết, mẹ em sẽ nấu một nồi thịt kho trứng và canh khổ qua. Thịt gà, giò lụa cũng không mua thừa mứa, bỏ đi rất uổng. Em đã mua sẵn trà và sách ở nhà, tết sẽ nằm nghe nhạc, uống trà, đọc sách”, Hằng cho hay.
Nguyễn Quỳnh Hương (23 tuổi, quê ở TT.Ngãi Giao, H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu), tác giả cuốn sách Sống xanh rồi mới sống nhanh, chia sẻ từ cách đây vài năm, gia đình cô đã chọn ăn tết đơn giản, không lãng phí. Dịch Covid-19 này, thu nhập ít đi nhưng cũng là cơ hội để thực hành lối sống đơn giản, thân thiện với môi trường nhiều hơn. “Bố mẹ tôi chủ trương thứ gì thật cần thiết mới mua, không phải vì tết thì cho phép mua thả phanh”, Hương nói.
“Nhà tôi không mua nhiều bánh kẹo công nghiệp vì không ai ăn. Khách tới nhà, nếu có trẻ con thì có một hộp bánh quy thiếc, ai ăn thì mở ra. Nếu tôi có thời gian sẽ tự tay làm thêm bánh mứt để mời mọi người. Đồ biếu xén tặng mọi người phần lớn là bánh trái tự làm hay gà nuôi vườn nhà. Đồ ăn thức uống thì chỉ làm đủ trong 3 ngày tết, sau đó thì ăn hết mới làm thêm. Năm nào cũng vậy, đến mùng 2, mùng 3 tết nhà tôi đã dùng hết sạch đồ ăn. Chắc một phần là mẹ tôi nấu ăn ngon nên khách khứa đến nhà ai cũng mê”, Hương chia sẻ.
Hương cũng cho hay, việc tiết kiệm đón tết vui còn ở chuyện mua hoa. Hoa chỉ mua đúng loại mình thích, không mua tràn lan. Hết tết mọi người mang cây ra vườn trồng, chậu cây tận dụng để ươm hành tỏi, làm sao để không tạo ra rác nhiều. Cũng như quần áo tết, để tiết kiệm chi phí cũng như không thải nhiều rác ra môi trường, Hương chọn mặc lại đồ của bạn bè tặng hoặc đồ second-hand (đồ cũ).
Ưu tiên những ngày bên gia đình
Tại siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM) những ngày trước tết, chúng tôi gặp chị Lê Thanh Thúy và con gái 5 tuổi đang học tại Trường mầm non 19 Tháng 5 (P.5, Q.8) cùng đi mua sắm. Chị Thúy cho hay tiêu chí của gia đình là tiết kiệm nên chỉ mua những gì thật cần, không tích trữ. “Tôi mua 2 túi quà tết biếu ông bà; gạo, các chai gia vị cần thiết và luôn ưu tiên rau xanh, trái cây. 30 tết ăn bên bà nội, mùng 2 đã có chợ, siêu thị mở cửa nên tôi chỉ mua đồ đủ ăn cho mùng 1 tết”, chị Thúy kể.
Đào Thị Thúy (23 tuổi, trú Q.Tân Bình, TP.HCM), người sáng lập cửa hàng không rác thải nhựa “A little bit”, cho hay Covid-19 làm giảm thu nhập của nhiều ngành nghề, trong đó có những người khởi nghiệp như cô. Người dân tới mua sắm bánh mứt tết, hộp quà tặng ở cửa hàng cô chỉ bằng 50% so với năm ngoái. Nhưng gia đình Thúy và bạn bè cô đều tin, quan trọng nhất là sức khỏe. Tết vui nhất là mọi người bình yên, ngồi pha bình trà hoa cúc bàn những kế hoạch mới, ở xa nếu không thể về thăm nhau có thể chúc tết online.
Tâm tư đó giống với suy nghĩ của Lê Dương Hà Tiên, nữ sinh lớp 10 chuyên toán, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Tiên chia sẻ tết là những ngày đặc biệt hơn cả trong năm, đón tết tiết kiệm và an toàn trong dịch, gia đình Tiên không đi du lịch xa mà chọn ở nhà nghỉ ngơi, đi dạo quanh TP.HCM. Cô bộc bạch: “Một năm qua với quá nhiều biến động. Tết Tân Sửu giản dị khi cả nhà được ngồi ăn cơm cùng nhau, đọc cuốn sách mình thích cũng là những khoảnh khắc rất đáng quý”.
Bình luận (0)