Quên... bất thường

26/06/2020 04:26 GMT+7

Vừa qua tại tỉnh Bình Phước xảy ra tình trạng “quên” ít nhất 5 trường hợp bị kết án tù nhưng chưa thi hành án trong thời gian dài, dẫn đến hết thời hiệu và không phải thi hành án.

Khi bản án hình sự trong thực tế không được đưa ra thi hành đúng theo quy định của pháp luật sẽ làm giảm hiệu lực của các phán quyết mà tòa án đã tuyên, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, thì vấn đề trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức gây ra sai phạm này cần phải được xem xét thấu đáo.
Để xác định được trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nào trong những trường hợp như thế này, phải làm rõ quy trình tổ chức thi hành án phạt tù. Căn cứ điều 256 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và luật Thi hành án năm 2010, thì đối với bị cáo đang tại ngoại, thủ tục thi hành án của tòa án cấp huyện và Viện kiểm sát bắt buộc phải thực thi trong thời hạn 7 ngày. Và cũng trong thời hạn 7 ngày, người bị kết án phải tự nguyện đến cơ quan thi hành án hình sự để thi hành hình phạt, nếu không tự nguyện đến thi hành án phạt tù, phải ra quyết định dẫn giải, nếu bỏ trốn thì sẽ bị truy nã theo quy định.
Từ quy trình trên, chúng ta chỉ cần làm rõ sau khi tòa án ra quyết định thi hành án phạt tù đối với các bị cáo, thì tòa án đã chuyển giao cho cơ quan thi hành án hình sự, Viện kiểm sát và người bị kết án hay chưa. Nếu tòa án chưa chuyển giao cho cơ quan thi hành án và Viện kiểm sát, nơi được ủy thác thi hành án thì trách nhiệm “bỏ quên” bản án là hoàn toàn thuộc về tòa án.
Nếu tòa án có gửi cho cơ quan thi hành án hình sự và Viện kiểm sát, thì vụ việc đó cả 3 cơ quan này cùng chịu trách nhiệm. Trong đó, trách nhiệm ở phía cơ quan thi hành án hình sự không tổ chức dẫn giải khi người bị kết án không tự nguyện thi hành án, không thông báo cho tòa án về việc chưa thi hành được bản án để tòa án yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự truy nã bị cáo. Phía Viện kiểm sát nếu thực hiện đúng trách nhiệm của mình thì sẽ phát hiện việc bị cáo chưa chấp hành án theo quy định, căn cứ quyền hạn của mình Viện kiểm sát có thể ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị, như vậy sẽ khắc phục được tình trạng sai sót này. Phía tòa án sau khi ra quyết định thi hành án phạt tù, thì phải có trách nhiệm theo dõi bị cáo đã thật sự chấp hành án hay chưa, làm tốt trách nhiệm này thì cũng sẽ khắc phục được tình trạng bị cáo được “quên” chấp hành hình phạt tù trên thực tế.
Từ thực tế ở Bình Phước cho thấy có sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thi hành án phạt tù. Vì vậy cơ quan tố tụng cần sát sao, có tinh thần trách nhiệm hơn nữa để theo dõi, kiểm sát việc thi hành án của người phạm tội, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, không để dư luận phải đặt nghi vấn về bất thường đằng sau việc bỏ quên ấy.

Ít nhất 5 trường hợp kết án tù nhưng 'quên' thi hành án tại Bình Phước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.