Khán giả sẽ được thưởng thức những tác phẩm ngũ tấu dành cho clarinet cung la trưởng của Mozart (tác phẩm thính phòng cuối cùng của ông, khai thác tận cùng tiềm năng của kèn clarinet) hay tác phẩm ngũ tấu số 2 dành cho piano cung la trưởng của nhà soạn nhạc người Czech Dvorak (tác phẩm lãng mạn sống động và đầy đam mê được sáng tác khi Dvorak làm việc tại Mỹ, vẫn giữ những chất liệu dân gian đặc trưng và thổi thêm sự phóng khoáng của văn hóa nơi đây).
Quintessence sẽ giới thiệu đến công chúng những "tinh hoa" âm nhạc cổ điển: đạo diễn âm nhạc, violin 1 - nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nguyên; violin 2 - nghệ sĩ Lê Minh Hiền; viola - nghệ sĩ Phạm Vũ Thiên Bảo; cello - nghệ sĩ Paul-Marie Kuzma; clarinet solo - nghệ sĩ Hoàng Ngọc Anh Quân và piano solo - nghệ Liao Hsin-Chiao.
Về đêm hòa nhạc đặc biệt này, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ: "Người Việt mình thường thích "hát cho nhau nghe". Nguyên cũng vậy, rất thích có dịp đàn chung với bạn bè đồng nghiệp thân quý". Anh cho biết, hơn 20 năm làm việc tại Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Pháp, anh may mắn được tiếp xúc với các chỉ huy danh tiếng như Ozawa, Haitink, Gergiev…"Có một sự ngạc nhiên thú vị là càng đàn nhiều bản giao hưởng lớn nổi tiếng, Nguyên càng thích các tác phẩm thính phòng ít người biết đến", anh nói.
Theo cảm nhận của anh, khi sáng tác giao hưởng cho dàn nhạc, hợp xướng, opera…, các nhà soạn nhạc thường chịu nhiều áp lực cho sự thành công. Trong khi đó, họ viết nhạc thính phòng để đàn chung với bạn bè, và đôi khi họ chỉ cần một bộ 4 đàn dây hoặc thêm một nhạc cụ nữa là có thể bộc lộ tất cả các cảm xúc và ý tưởng của mình do không có nhiều ràng buộc.
"Các nhà soạn nhạc đã để lại một kho tàng nhạc thính phòng đồ sộ. Ví dụ riêng Beethoven, bên cạnh 9 bản giao hưởng, ông đã viết 4 piano trio, 16 tứ tấu dây, 10 sonate violon piano… Và 2 bài ngũ tấu của Mozart và Dvorak là những "tinh hoa" trong kho tàng này. Tôi rất mong chờ đêm concert Quintessence để chia sẻ niềm đam mê dòng nhạc thính phòng với khán giả quê nhà", Nguyễn Hữu Nguyên bày tỏ.
Bình luận (0)