'Quốc bảo' sâm Ngọc Linh không nên để trong tủ kính

06/08/2022 18:27 GMT+7

Đó là ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại hội thảo “Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia” tổ chức chiều nay 6.8 tại Quảng Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại năm 2017 khi đang là Thủ tướng, cũng tại hội thảo về sâm Ngọc Linh, ông đã nói sâm Ngọc Linh là quốc bảo nhưng phải đi liền với quốc kế dân sinh.

"Ý rằng sâm Ngọc Linh không phải để trong tủ kính mà phải được chế biến, sản xuất, giải quyết nhiều việc làm, an sinh xã hội và đóng góp thực sự xây dựng thương hiệu quốc gia", Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, hội thảo lần này không chỉ nói về chính sách, tạo động lực, tìm nguồn lực phát triển sâm Ngọc Linh mà còn nhắc nhở chúng ta tìm tòi những giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất để phát triển cây “quốc kế dân sinh”. Đây là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu, thực phẩm chức năng.

Nỗi lo sâm giả ảnh hưởng uy tín "quốc bảo"

Hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp thúc đẩy mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh. Đặc biệt tạo động lực hiện thực hóa “Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam” với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực; nâng cao giá trị của sâm Ngọc Linh, góp phần đưa sâm Ngọc Linh trở thành một thương hiệu quốc gia.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bắt tay chào hỏi dược sĩ Đào Kim Long, người đầu tiên tìm ra cây sâm Ngọc Linh

mạnh cường

Cây sâm Ngọc Linh được bày bán tại phiên chợ sâm hàng tháng tại H.Nam Trà My

mạnh cường

Để đạt được những mục đích này, theo Chủ tịch nước, các địa phương còn nhiều việc phải làm.

“Muốn làm quốc kế dân sinh phải có sản lượng lớn, xu hướng này đã được tỉnh Quảng Nam và Kon Tum vào cuộc. Tất nhiên, sản lượng sâm so với các nước thì quy mô về sản lượng của chúng ta còn khiêm tốn, chất lượng cần phải cải thiện hơn, thị trường còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm giải quyết”, Chủ tịch nước gợi ý.

Ngoài ra, còn có nhiều vấn đề lớn hiện nay cần quan tâm. Chẳng hạn biến đổi khí hậu làm hàng vạn cây sâm Ngọc Linh chết; tình trạng sâm Ngọc Linh giả, nhiều loại củ giống sâm Ngọc Linh trà trộn làm ảnh hưởng đến uy tín của cây sâm "quốc bảo"; khoa học công nghệ chưa được chú trọng; đa dạng sản phẩm sâm Ngọc Linh còn hạn chế...

“Sâm Ngọc Linh ngoài những giá trị về sức khỏe còn ẩn chứa tiềm năng kinh tế to lớn, đồng thời là cơ hội để khẳng định niềm tự hào dân tộc, tương tự như Hàn Quốc đã tự hào về nhân sâm của họ. Chúng ta chưa làm được điều này”, Chủ tịch nước nói và kỳ vọng Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để phát triển ngành công nghiệp trồng, chế biến sâm Ngọc Linh có giá trị xuất khẩu "tỉ USD" trong thời gian đến.

Lấy sâm Hàn Quốc làm bài học phát triển

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi ý một số hướng đi, cách làm cho chiến lược phát triển sâm Ngọc Linh.

Đó là, vừa bảo tồn vừa phát triển cây sâm Ngọc Linh để đạt giá trị cao hơn; nghiên cứu học hỏi phát triển ngành sâm như Hàn Quốc và một số quốc gia khác tiên tiến khác đã làm; đa dạng hóa sản phẩm; bảo vệ nguồn gen thuần chủng, không bị lai tạp; ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, chế biến sản phẩm... Từ đó tạo bước đột phá cho ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm sâm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Ngoài ra, cần khởi tích cho cây sâm Ngọc Linh lịch sử rõ ràng và cả những giai thoại để làm tăng giá trị cho sâm. Việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia, khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết cũng được đặt ra. Vốn, công nghệ, đất và rừng là những yếu tố quan trọng. Đồng thời, người dân giữ rừng phải được hưởng lợi xứng đáng bởi mất rừng là không còn sâm Ngọc Linh.

“Hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum cần tiếp tục hoàn thiện chiến lược nuôi trồng, sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh nâng tầm thương hiệu quốc gia, tạo những nền tảng tốt hơn để sâm Ngọc Linh phát triển bền vững, vươn ra thị trường trong nước, toàn cầu và trước hết lấy sâm Hàn Quốc làm bài học”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Sâm Ngọc Linh được trồng tại H.Nam Trà My

c.x

Tại hội thảo do UBND hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức, các cơ quan quản lý đã đưa ra thông tin chi tiết về Đề án phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và định hướng đến 2045; thực trạng và định hướng phát triển sâm tại tỉnh Quảng Nam cũng như tiềm năng và khát vọng phát triển cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Kon Tum cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác vận động thành lập Hiệp hội sâm Ngọc Linh Việt Nam. Đây là cơ sở để bảo vệ nguồn giống sâm, phát triển sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.