Chiều 12.10, trong phiên tòa xét xử bị cáo Tất Thành Cang và 9 đồng phạm sai phạm trong vụ bán rẻ 2 dự án: Phước Kiển (H.Nhà Bè, TP.HCM) và Khu dân cư (KDC) Ven Sông (Q.7) gây thiệt hại của nhà nước hơn 735 tỉ đồng, HĐXX đã thẩm vấn bên liên quan là đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Theo cáo trạng, Công ty Quốc Cường Gia Lai là bên mua 2 dự án trên.
Ông Tất Thành Cang và đồng phạm đã bán rẻ đất ra sao? |
Công ty Tân Thuận đề nghị được nhận lại hơn 21 tỉ đồng tiền lãi
Đối với hợp đồng chuyển nhượng 32 ha đất Phước kiển, sau khi vụ việc được phát hiện, căn cứ chỉ đạo của Văn phòng Thành ủy, ngày 24.4.2018, Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai ký hợp đồng hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng 32 ha đất tại Phước Kiển.
Theo đó, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai hơn 374 tỉ đồng, tiền thuế VAT hơn 23 tỉ đồng, và tiền lãi suất (tính theo lãi suất ngân hàng) hơn 21 tỉ đồng.
Bị cáo Tất Thành Cang |
NHẬT THỊNH |
Tại tòa, phía Công ty Tân Thuận đề nghị được nhận lại hơn 21 tỉ đồng tiền lãi đã chuyển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Theo đại diện Công ty Tân Thuận, việc chuyển nhượng dự án là sai phạm liên quan đến vụ án hình sự, vì vậy, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nên việc Công ty Quốc Cường Gia Lai nhận lãi suất là sai quy định.
Ngược lại, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị HĐXX xem xét để công ty được nhận tiền lãi suất.
Đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai trình bày, sau khi vụ án được khởi tố, theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT), Công ty Quốc Cường Gia Lai có nộp vào tài khoản của Cơ quan ANĐT 16,9/21 tỉ đồng để đợi vụ án được giải quyết.
Song tại phiên tòa, Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị HĐXX xem xét, rằng trong giao dịch chuyển nhượng 32 ha đất tại Phước Kiển, Công ty Quốc Cường Gia Lai chỉ là quan hệ giao dịch dân sự kinh tế, là một bên ngay tình... Vì vậy, việc hủy hợp đồng là thiệt hại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Khu dự án Phước Kiển |
ĐỘC LẬP |
“Việc thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng và hoàn trả một phần tiền lãi cho Công ty Quốc Cường Gia Lai là phù hợp với quy định pháp luật”, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai nêu tại tòa.
Chủ tọa hỏi: “Tại sao Công ty Tân Thuận chuyển hơn 21 tỉ đồng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai nhưng phía công ty chỉ trả lại 16,9 tỉ đồng”.
Đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai trả lời: “16,9 tỉ đồng là tiền thực nhận, số còn lại Công ty Quốc Cường Gia Lai đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho khoản 21 tỉ đồng (20% của hơn 21 tỉ đồng - PV).
Đối với sai phạm tại dự án KDC Ven Sông, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết, việc công ty nhận chuyển nhượng vốn góp ban đầu 45% được xác định là đúng quy định, không sai phạm.
Riêng việc chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp còn lại tại dự án (tương đương hơn 9.000 m2 - PV), để Công ty Quốc Cường Gia Lai sở hữu 90% vốn góp, giữa các bên đã ký hợp đồng kinh tế số 50/2016 và phụ lục số 01. Sau đó, việc chuyển nhượng được CQĐT xác định có sai phạm và các bên có thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng kinh tế và phụ lục liên quan.
Theo đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai, tại thời điểm chuyển nhượng, giá chuyển nhượng là hơn 186 tỉ đồng. Tuy nhiên, Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự xác định, chênh lệch giá là 3,5 triệu đồng/m2.
“Tại phiên tòa, Công ty Quốc Cường Gia Lai mong muốn được tiếp tục thực hiện dự án vì Công ty Quốc Cường Gia Lai là công ty có năng lực, kinh nghiệm trong kinh doanh bất động sản. Đối với phần chênh lệch giá, Công ty Quốc Cường Gia Lai sẽ thanh toán”, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai trình bày.
Bình luận (0)