Quốc gia biển phải nhập muối

17/06/2011 00:13 GMT+7

Vấn đề nhập khẩu muối đã được đem ra tranh cãi rất nhiều lần, kéo dài nhiều năm và cho tới thời điểm này, nó vẫn tiếp tục là đề tài gây tranh cãi. Sở dĩ như vậy vì đã tồn tại quá nhiều nghịch lý trong việc nhập khẩu muối nhưng chưa được giải quyết.

Với 3.260 km bờ biển, đã từng xuất  khẩu muối (trước năm 2000) nhưng nhiều năm nay nước ta trở thành nước nhập khẩu muối với số lượng ngày càng tăng; nhập khẩu muối trong khi muối trong nước tồn đọng, ế ẩm, rớt giá khiến đời sống diêm dân bếp bênh, cực khổ; từ chỗ chỉ nhập khẩu muối công nghiệp, chúng ta đã nhập khẩu cả muối ăn; muối nhập khẩu rẻ nhưng giá muối đến tay người tiêu dùng vẫn cao... Đó là những tồn tại phi lý trong ngành muối của Việt Nam nhiều năm nay.

Lý do nhập khẩu muối là do thiếu muối, do muối trong nước chất  lượng không tốt, giá cao nên các doanh nghiệp "thích" sử dụng muối nhập khẩu. Trên thực tế, việc sản lượng, chất lượng muối trong nước còn thấp, giá còn cao là do thiếu quy hoạch, đầu tư một cách bài bản. Sản xuất muối cho đến nay vẫn dựa vào thủ công, không áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại, thiếu sản xuất tập trung... để có năng suất, chất lượng, giá cả tốt hơn. Cứ mỗi lần muối ngoại "đè" muối nội, cuộc sống diêm dân điêu đứng thì vấn đề nhập khẩu muối lại nóng lên. Lại có những lời hứa, những kế hoạch để cải thiện ngành muối nhưng sau đó, mọi việc lại chìm xuồng. Nên mỗi lần Bộ Công thương cấp hạn ngạch nhập muối, các diêm dân lại thấp thỏm lo âu. Vì vậy, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị Bộ Công thương chưa giao đợt 2 lượng hạn ngạch nhập khẩu 50.000 tấn muối phục vụ sản xuất hóa chất khiến diêm dân khấp khởi hy vọng, giá muối trong nước sẽ không tiếp tục bị "dìm" bởi muối ngoại.

Nhưng ngay cả khi Bộ Công thương đồng ý với đề nghị dừng cấp hạn ngạch nhập khẩu muối thì niềm vui của diêm dân cũng chỉ là tạm thời. Về lâu dài, họ vẫn phải đối mặt với sức ép từ muối ngoại. Và những nghịch lý ngành muối như nói trên sẽ tiếp tục tồn tại. Đã đến lúc phải giải quyết triệt để mọi vấn đề để phát triển ngành muối, cải thiện cuộc sống cho hàng ngàn, hàng vạn diêm dân cả nước. Với lợi thế biển hiện nay, có thể khẳng định, ngành muối Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở việc không nhập muối mà phải tái xuất khẩu muối. Như vậy mới xứng đáng với tiềm năng biển mà chúng ta đang có.

Chúng ta đang nói rất nhiều về việc phát triển kinh tế biển. Cũng đã có rất nhiều ý tưởng, tham luận, tư duy đột phá... hiến kế để khai thác triệt để lợi thế biển của Việt Nam. Thiết nghĩ, nên bắt đầu từ những việc thiết thực nhất, “biển nhất” là phát triển ngành muối. Nếu không bắt đầu từ những việc cụ thể, những ngành cụ thể thì mãi mãi, kinh tế biển Việt Nam sẽ chỉ ở dạng tiềm năng mà thôi.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.