Quốc gia đầu tiên đưa quyền phá thai vào hiến pháp

05/03/2024 11:28 GMT+7

Quốc hội Pháp hôm 4.3 đã đồng ý đưa quyền phá thai vào hiến pháp, giúp Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận phá thai là quyền hiến định, đồng thời cũng dẫn đến những phản ứng trái chiều.

Các nghị sĩ của cả hai viện quốc hội Pháp đã biểu quyết về việc đưa quyền phá thai vào hiến pháp trong một phiên họp đặc biệt tại Cung điện Versailles ở ngoại ô Paris hôm 4.3. Kết quả bỏ phiếu cho thấy 780 nhà lập pháp ủng hộ và 72 người phản đối, tức vượt qua yêu cầu tối thiểu 60% phiếu thuận để dự luật được chấp nhận, theo AFP.

Các nghị sĩ đã hoan nghênh kết quả bằng những màn reo hò nhiệt liệt. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là "niềm tự hào của người Pháp", gửi đi "thông điệp toàn cầu". Giới chức cũng lên kế hoạch tổ chức một sự kiện công cộng đặc biệt tại Paris vào Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 để ăn mừng việc này.

Tháp Eiffel đã được thắp sáng sau cuộc bỏ phiếu của quốc hội Pháp, với các khẩu hiệu bao gồm "My Body My Choice" (Cơ thể của tôi, Lựa chọn của tôi) nhấp nháy trên công trình biểu tượng.

Quốc gia đầu tiên đưa quyền phá thai vào hiến pháp- Ảnh 1.

Tháp Eiffel được thắp sáng với dòng chữ "My Body My Choice", khẩu hiệu ủng hộ quyền phá thai, hôm 4.3

REUTERS

"Đây là một bước đi cơ bản… Một động thái sẽ đi vào lịch sử", Thủ tướng Pháp Gabriel Attal nói với các nhà lập pháp khi kêu gọi họ thông qua dự luật. Ông nói họ nợ "một món nợ đạo đức" đối với tất cả những phụ nữ đã phải chịu đựng đau khổ liên quan đến việc chấm dứt thai kỳ trước đây.

Song ông Attal cũng cho rằng quyền phá thai vẫn "gặp nguy hiểm" trên toàn thế giới. "Trong một thế hệ, một năm, một tuần, quý vị có thể bắt gặp từ chuyện này đến chuyện ngược lại", ông đề cập đến việc cấm phá thai ở Mỹ, Hungary và Ba Lan.

Những phiên họp quốc hội chung như vậy rất hiếm ở Pháp và chỉ diễn ra vào những dịp quan trọng như thay đổi hiến pháp, lần cuối cùng là vào năm 2008.

Việc phá thai đã được hợp pháp hóa ở Pháp kể từ năm 1975. Song năm ngoái, Tổng thống Macron cam kết sẽ đưa việc phá thai vào hiến pháp để tăng cường bảo vệ quyền này, sau khi Tòa án Tối cao Mỹ năm 2022 lật ngược một án lệ lịch sử và kết luận đây không phải là quyền hiến định, cho phép từng bang của Mỹ cấm hoặc hạn chế phá thai.

Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế Agnes Callamard cho biết cuộc bỏ phiếu tại Pháp "có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh quyền thiết yếu đang bị lấy đi trên toàn thế giới", đồng thời cho biết quốc hội Pháp đã gửi đi một thông điệp về "hy vọng và đoàn kết".

Trong một bài đăng trên X, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh "quyết định của Pháp nhằm đảm bảo quyền của phụ nữ và cứu sống họ".

Theo các cuộc thăm dò, phần lớn công chúng Pháp ủng hộ việc tăng cường bảo vệ quyền phá thai trong luật pháp nước này.

Song hàng trăm người phản đối việc phá thai đã biểu tình ở Versailles vì cuộc bỏ phiếu ngày 4.3. Trong khi đó, các giám mục Công giáo kêu gọi một ngày "nhịn ăn và cầu nguyện" để người Pháp có thể "tái khám phá hương vị cuộc sống".

Tòa thánh Vatican cho rằng có lẽ "không có 'quyền' tước đoạt mạng sống con người".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.