Hãng tin AP vừa có bài viết chỉ ra các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định về biến đổi khí hậu vừa được ký kết hồi tuần trước.
Phái đoàn Trung Quốc và Brazil tham gia đàm phán về biến đổi khí hậu tại Paris - Ảnh: Reuters |
AP cho biết thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu vừa đạt được tại Paris là thành quả của 4 năm đàm phán giữa nhiều nước trên thế giới để cùng chung tay giảm thiểu lượng khí thải nhà kính khiến Trái đất nóng lên.
Các vòng đàm phán rất khó khăn và đôi lúc tưởng chừng như đã đổ vỡ. Tuy nhiên, mỗi quốc gia tham gia đàm phán đã chấp nhận thỏa hiệp để cùng ký kết hiệp định, nhưng một số nước hưởng lợi nhiều hơn so với những thành viên khác.
Sau đây là những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận và một số nước kém hơn, theo phân tích của AP:
Các đảo quốc nhỏ
Những đảo quốc nhỏ bé rõ ràng là phía hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định biến đổi khí hậu Paris.
AP cho biết Tuvalu, Marshall Islands, Maldives, Kiribati và những đảo quốc khác tích cực tham gia đàm phán vì hai điều. Thứ nhất là các nước này muốn thỏa thuận quy mô toàn cầu này chí ít cũng sẽ giúp duy trì mức tăng nhiệt độ Trái đất xuống mức 1,5 độ C, thay vì 2 độ C như đề xuất của các quốc gia khác trong các vòng đàm phán trước đây.
Thứ hai, các đảo quốc muốn cộng đồng thế giới nhận thấy rằng họ cần hỗ trợ để đối phó với thiệt hại gây ra bởi tình trạng mực nước biển dâng cao, thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn và những tác động khác do biến đổi khí hậu gây ra. “Và họ đã có được cả 2 điều nói trên”, AP bình luận.
Mỹ
Hãng tin AP nhận định đạt được thỏa thuận biến đổi khí hậu là điều mà các nhà thương thuyết Mỹ mong đợi.
Thỏa thuận này không đề ra những quy định bắt buộc về mặt pháp lý đối với khí thải hay mục tiêu tài chính nào. Điều này tạo điều kiện cho Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt bút ký thỏa thuận mà không cần phải chờ phê duyệt của Hạ viện, vốn đang do đảng đối lập Cộng hòa chiếm giữ.
Thỏa thuận cho phép các nước đặt ra hạn mức về khí thải của riêng mình, mà không cần phải đàm phán với nước khác. Nó cũng đề ra yêu cầu đối với toàn bộ các quốc gia phải đề ra hạn mức, chứ không chỉ riêng các nước giàu, và minh bạch trong cách thức đường lối thực thi để đáp ứng được hạn mức.
Pháp
Gần như các quốc gia tham gia đàm phán đều đã lên tiếng ca ngợi nước chủ nhà Pháp vì đã tạo điều kiện giúp hoàn tất thỏa thuận.
Bằng khả năng ngoại giao dày dặn, chính phủ Pháp đã thiết lập cầu nối, đồng thời giúp mọi quốc gia tham gia hiệp định tự tin rằng tiếng nói của họ sẽ được nghe thấy.
Ngoài ra, nước Pháp còn nhận được sự tôn trọng từ cộng đồng thế giới khi vẫn kiên định đối với việc tổ chức đàm phán dù chỉ vài tuần trước đó, Paris xảy ra vụ khủng bố đẫm máu.
Trung Quốc
AP bình luận quốc gia có lượng khí thải nhà kính nhiều nhất thế giới đã không phải phá vỡ bất kỳ quy định trong nước nào của riêng mình khi tham gia đàm phán.
Và thêm một thắng lợi nữa đối với Trung Quốc chính là khác với lần đàm phán cách đây 6 năm tại Đan Mạch, Bắc Kinh lần này không bị xem là nước cản đường đàm phán về biến đổi khí hậu.
Ấn Độ
Trong bài phát biểu sau khi thỏa thuận được ký kết, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javadekar vừa tỏ ý khen ngợi lẫn chỉ trích khi cho biết ông đã có cảm giác vui buồn lẫn lộn trước kết quả đạt được.
Nhận biết rằng lượng khí thải của nước mình vẫn chưa tới đỉnh điểm như các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, Ấn Độ muốn thỏa thuận cho phép các nước đang phát triển có thêm thời gian trước khi thực thi thỏa thuận. Nước này đã miễn cưỡng chấp nhận mức 1,5 độ C.
Liên minh châu Âu (EU)
Ở hội nghị Paris, EU đã không thể hiện được vai trò thủ lĩnh như họ mong muốn, AP nhận định. Khối này đã từng giúp tạo ra một “liên minh đầy tham vọng” gồm cả nước giàu lẫn nước nghèo, nhưng hiện vẫn không rõ liệu liên minh này có phải chỉ mang tính biểu tượng hay không.
EU thành công trong việc tạo ra cơ chế giúp gia tăng các hạn mức về lượng khí thải theo thời gian (điều này được quy định trong thỏa thuận), nhưng lại im tiếng trước đề xuất nên biến các hạn mức này thành quy định bắt buộc mang tính pháp lý.
Ả Rập Xê Út
Quốc gia cung cấp dầu mỏ lớn nhất thế giới này phản đối quy định duy trì mức tăng nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5 độ C và mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn khí thải trong tương lai. Kết quả là 2 điều nêu trên đều được thông qua.
Tuy nhiên, mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn khí thải trong tương lai lại không đề cập cụ thể đến khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, nên điều này là một thắng lợi nho nhỏ đối với Ả Rập Xê Út, theo AP.
Nhiên liệu hóa thạch
Phía chịu thiệt hại lớn nhất từ thỏa thuận Paris có lẽ là ngành sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Thỏa thuận đạt được là lời nhắn nhủ đến giới doanh nghiệp rằng chính phủ các nước sẽ lần lượt triển khai các chính sách nghiêng về nguồn năng lượng sạch, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Để phản pháo thỏa thuận về biến đổi khí hậu, Hiệp hội Than đá Thế giới đã đưa ra tính toán cho biết “điện năng tạo ra từ than đá sẽ tăng 24% tính đến năm 2040” dù các nước đề ra mục tiêu về lượng khí thải.
Bình luận (0)