Quốc hội Anh trì hoãn Brexit

16/03/2019 00:00 GMT+7

Quốc hội Anh quyết định trì hoãn tiến trình rời khỏi Liên minh Châu Âu ( Brexit ) thêm 3 tháng hoặc hơn trong bối cảnh hạn chót 29.3 sắp đến.

Các nghị sĩ Anh hôm qua bỏ phiếu thông qua kiến nghị yêu cầu Liên minh Châu Âu (EU) cho phép dời tiến trình Brexit lại tới tháng 6 hoặc lâu hơn. Trước đó, giới nghị sĩ Anh gặp bế tắc trong việc tìm ra cách để chia tay EU vào ngày 29.3 một cách êm đẹp. Dự thảo thỏa thuận Brexit do Thủ tướng Theresa May đàm phán trong hơn 2 năm qua bị quốc hội bác bỏ đến 2 lần dù bà đã nỗ lực tìm kiếm sự nhượng bộ tối đa từ phía châu Âu.
London hy vọng việc trì hoãn Brexit sẽ tạo ra thêm thời gian để đàm phán một thỏa thuận tốt hơn, nhưng viễn cảnh này bị đánh giá là còn rất mập mờ. Theo BBC, yêu cầu dời thời hạn của phía Anh chỉ được thông qua nếu có sự đồng ý của toàn bộ 27 thành viên còn lại của EU và vấn đề này sẽ được quyết định tại cuộc họp của khối vào ngày 21.3.
[VIDEO] Brexit bị hoãn, chính trường Anh tiếp tục bất ổn
Trong khi đó, Thủ tướng May hy vọng nỗi lo sợ việc Brexit bị trì hoãn lâu dài sẽ buộc các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ cầm quyền phản đối dự thảo của bà sẽ suy nghĩ lại và ủng hộ trong lần bỏ phiếu thứ ba sắp tới. Trước đó, các bên bất đồng quan điểm về nhiều nội dung, trong đó có vấn đề kiểm soát biên giới hậu Brexit giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và CH Ireland, một thành viên của EU.
Các nghị sĩ cho rằng sau khi Anh rời EU mà Bắc Ireland vẫn thông thương biên giới không kiểm soát với CH Ireland thì rõ ràng Anh “vẫn thuộc thị trường chung” và chịu cơ chế thuế quan của EU. Trong khi đó, việc thành lập các chốt kiểm soát ở biên giới sẽ tái diễn tình trạng bạo lực đẫm máu ở khu vực này cách đây 3 thập niên, điều mà không bên nào mong muốn.
Tuy nhiên, sau khi bị bác bỏ lần gần nhất hôm 12.3, Thủ tướng May nói rằng dự thảo của bà là “thỏa thuận tốt nhất và duy nhất” vào thời điểm này. Theo giới quan sát, nếu quốc hội Anh tiếp tục bác bỏ dự thảo của bà May trong cuộc bỏ phiếu vào tuần sau, tiến trình Brexit có thể sẽ bị mất đi ý nghĩa thực sự hoặc thậm chí bị đảo ngược do trì hoãn quá lâu. Trong khi đó, giới lãnh đạo châu Âu chỉ muốn nước Anh thông qua dự thảo hiện tại, hoặc trì hoãn Brexit thêm ít nhất một năm để có thể tái đàm phán kỹ lưỡng hơn.
[VIDEO] Hạn Brexit cận kề, hệ thống dịch vụ tài chính Anh bắt đầu nhận quả đắng
“Tôi sẽ kêu gọi các thành viên EU rộng rãi với việc gia hạn thời gian dài nếu Anh thấy cần thiết để cân nhắc lại chiến lược Brexit và thiết lập sự đồng thuận”, Reuters dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói. Phía Pháp cũng tuyên bố rằng việc trì hoãn Brexit trong một thời gian ngắn để bàn lại dự thảo hiện tại của Thủ tướng May là điều khó thành hiện thực.
Trong trường hợp EU không đồng ý dời hạn chót Brexit, nước Anh vẫn sẽ chính thức bước vào tiến trình rời khỏi EU vào ngày 29.3. Giới nghị sĩ nước này ngày 13.3 bỏ phiếu bác bỏ khả năng “ly hôn” EU mà không có thỏa thuận nào nhưng kết quả đó không mang tính ràng buộc. Trong trường hợp xấu nhất, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới sẽ hứng chịu nhiều đảo lộn khi phải cắt đứt mọi hợp tác, ưu đãi về thương mại và thuế quan vì mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu cũng như không còn tên trong các hiệp định thương mại giữa EU với các nước khác.
 
[VIDEO] Giải thích Brexit - bạn có giỏi hơn cô bé 3 tuổi này không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.