Sáng 19.2, tại kỳ họp bất thường thứ 9, với 455/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sáng 19.2
ẢNH: GIA HÂN
Hoàn thành dự án chậm nhất vào năm 2030
Theo đó, dự án sẽ đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ đường sắt 1,435 mm, vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/giờ đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120 km/giờ đối với đoạn qua khu vực đầu mối TP.Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/giờ đối với các đoạn tuyến còn lại.
Chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km; đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 203.231 tỉ đồng, gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632 ha; số hộ dân tái định cư khoảng 19.136 người.
Theo kế hoạch, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án triển khai từ năm nay và phấn đấu hoàn thành dự án chậm nhất vào năm 2030.
Quốc hội 'chốt' đầu tư đường sắt kết nối Trung Quốc 203.231 tỉ đồng
Cùng với chủ trương đầu tư, Quốc hội cũng thông qua gần 20 cơ chế đặc thù, đặc biệt để triển khai dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc. Trong đó, cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ cho dự án để bổ sung phần thiếu hụt so với dự toán và kế hoạch đầu tư công hàng năm; huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án mà không cần lập đề xuất.
Quốc hội cũng cho phép các tỉnh, thành phố được ứng trước vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dự án.
Quốc hội đồng ý trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị nên đề xuất một tỷ lệ vốn từ trái phiếu Chính phủ nhiều hơn để giảm tỷ lệ vay vốn nước ngoài, đỡ phụ thuộc vào nước ngoài có tỷ lệ lãi suất cao.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, nhằm hiện thực hóa nhận thức chung của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc, chủ trương của Bộ Chính trị tại Công văn số 13201 ngày 20.1.2025, hiện nay, các cơ quan của Việt Nam đang tích cực làm việc với các đối tác phía Trung Quốc để xác định quy mô khoản vay, lãi suất và các điều kiện ràng buộc của khoản vay. Trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở kết quả làm việc với các đối tác, sẽ xem xét quy định cơ cấu nguồn vốn cho dự án.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết các chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển đường sắt đô thị của TP.Hà Nội, TP.HCM
ẢNH: GIA HÂN
Giao quyền chủ động cho Hà Nội, TP.HCM xây dựng đường sắt đô thị
Cũng trong sáng 19.2, với 459/459 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội, TP.HCM.
Theo đó, Quốc hội tán thành 9 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai các dự án tại 2 thành phố này.
Cụ thể, Quốc hội cho phép Thủ tướng được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách T.Ư bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, tối đa không vượt 215.350 tỉ đồng cho TP.Hà Nội và tối đa không vượt 209.500 tỉ đồng cho TP.HCM trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035 làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án.
Cùng đó, Quốc hội cho phép các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) tại TP.Hà Nội, TP.HCM được thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án mà không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác có liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư.
Đồng thời, Quốc hội cho phép UBND các thành phố có quyền lập, thẩm định, quyết định đầu tư và điều chỉnh các dự án đường sắt đô thị, đường sắt theo mô hình TOD.
UBND các thành phố cũng được quyết định việc phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án khi quyết định đầu tư mà không phải áp dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Cùng đó, được phép quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án trong trường hợp không làm tăng tổng mức đầu tư thì không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án.
UBND các thành phố được quyết định các công trình đường sắt đô thị (nhà ga, nút giao, cầu, các hạng mục công trình liên quan thuộc dự án đường sắt đô thị) không phải thi tuyển phương án kiến trúc.
Đồng thời, được quyết định việc áp dụng các hình thức chỉ định thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu tư vấn, phi tư vấn, thi công; nhà thầu EPC, chìa khóa trao tay; nhà đầu tư các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu…
Bình luận (0)