Quốc hội, dân trí và luật trưng cầu dân ý

06/06/2015 12:00 GMT+7

(TNO) Mỗi lần quốc hội họp, có một điểm mà tôi nhận thấy khá thường xuyên được các đại biểu viện dẫn làm căn cứ để bảo vệ ý kiến của mình: dân trí.

(TNO) Mỗi lần quốc hội họp, có một điểm mà tôi nhận thấy khá thường xuyên được các đại biểu viện dẫn làm căn cứ để bảo vệ ý kiến của mình: dân trí. 

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội - Ảnh: Ngọc ThắngKhông ít đại biểu Quốc hội viện dẫn "dân trí thấp" như là lý do để chưa nên áp dụng một số luật  - Ảnh: Ngọc Thắng
Năm 2011, đại biểu Hoàng Hữu Phước khi đề xuất chưa ban hành luật biểu tình đã phát biểu: “Khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình”. Ý kiến của đại biểu này đã khiến dư luận dậy sóng một thời gian.
Tại kỳ họp lần này, đại biểu Trịnh Xuyên khi bảo vệ quan điểm về việc không thực hiện quyền im lặng đã khẳng định “Quyền im lặng là rất vô nghĩa, nhất là nước ta trong giai đoạn hiện nay khi trình độ dân trí, nhận thức như thế. Nếu quy định quyền im lặng là không phù hợp, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng, tính nghiêm minh pháp luật không cao”.
Đại biểu Hà Minh Huệ có lẽ là thẳng thừng hơn cả. Để kêu gọi sự thận trọng khi ban hành quy định về trưng cầu dân ý, ông viện dẫn: "Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện" (VTC News ngày 4.6).
Dân trí ta cao hay thấp?
Câu hỏi dân trí cao hay thấp có lẽ không bao giờ có thể được trả lời thỏa đáng bởi nó có quá nhiều cách đánh giá. Đại biểu này nghĩ rằng dân trí cao nhưng rất có thể đại biểu kia lại coi là thấp. Dân trí có thể đủ cao cho việc X nhưng lại còn thấp cho việc Y. Để có tính khoa học, có lẽ chúng ta sẽ phải tạm gọi là dân trí ta đang ở mức m nhất định nào đó.
Nâng tầm dân trí là nhiệm vụ quan trọng số một, sống còn của quốc gia. Là đại biểu của dân, các đại biểu quốc hội cần lý giải tại sao dân trí chưa cao và tìm kế sách nâng tầm dân trí.
Chúng ta chưa có luật biểu tình, chưa quy định quyền im lặng và chưa có luật trưng cầu dân ý. Bản thân các đại biểu, kể cả các đại biểu đề xuất hạn chế hoặc chưa quy định các quyền “ba không” đó cũng thừa nhận cơ sở khoa học và tính nhân văn của các quyền, các luật nói trên.
Các đại biểu quốc hội đều là những người có vị thế nhất định trong xã hội nên ý kiến của họ cần nhận được sự coi trọng nhất định. Dựa trên nhận định của các đại biểu, có thể thấy mức dân trí m chúng ta đang có có mối tương quan chặt chẽ với tình trạng “ba không” hiện tại.
Để so sánh, người dân ở những nước “dân trí cao” hàng đầu thế giới đều đã được hưởng đầy đủ các giá trị mà các quyền kia đem lại. Do đó, mức dân trí m của nước ta nếu không thấp thì chắc chắn cũng phải là “chưa đầy đủ”?.
Khai dân trí ?
Kể cả dân trí có cao hay thấp thì nhiệm vụ nâng tầm dân trí lên lúc nào cũng là quan trọng số một của mọi quốc gia. Xét cho cùng, phát triển kinh tế cũng nhằm mục đích khiến cho người dân sống hạnh phúc hơn, trình độ văn hóa và dân trí cao hơn.
Riêng đối với nước ta, tình trạng dân trí “chưa đầy đủ” không chỉ khiến cho người dân không được hưởng những quyền đầy đủ phổ quát mà cả thế giới đang được hưởng, nó còn khiến người dân Việt Nam gặp khó khăn trong việc nhận thức cái đúng và hòa nhập với thế giới văn minh.
Do đó, nâng tầm dân trí là nhiệm vụ quan trọng số một, sống còn của quốc gia. Là đại biểu của dân, các đại biểu quốc hội cần lý giải tại sao dân trí chưa cao và tìm kế sách nâng tầm dân trí.
Dân trí và trưng cầu dân ý
Tôi hiểu khó khăn của các đại biểu quốc hội khi đứng trước nhiệm vụ nâng cao dân trí. Tuy nhiên, nếu thừa nhận mức độ dân trí có tương quan với tình trạng “ba không” như đã đề cập thì phân tích quan hệ nguyên nhân- hệ quả giữa hai yếu tố có thể đem lại giải pháp.
Lấy ví dụ về luật trưng cầu dân ý, có thể xảy ra các trường hợp: 1. Do trưng cầu dân ý bị giới hạn (B) nên dân trí chưa cao (A); 2. Do dân trí chưa cao (A) nên trưng cầu dân ý phải bị giới hạn (B); và 3. Việc giới hạn trưng cầu dân ý và trình độ dân trí không có mối quan hệ nhân quả gì cả.
Dễ quyết nhất là trường hợp đầu tiên, lúc đó chỉ việc nới lỏng các quyền trưng cầu dân ý thì dân trí sẽ được nâng lên. Trường hợp thứ 3 cũng không khó, bởi nếu hai vấn đề không có mối quan hệ nhân quả thì các đại biểu có thể quyết được về giới hạn trưng cầu dân ý mà không quan tâm gì đến dân trí.
Khó nhất là trường hợp thứ hai, nhưng có lẽ các đại biểu quốc hội viện dẫn tình trạng dân trí đều đang nghiêng về giả thiết thứ hai.
Ủy ban Dân trí của Quốc hội
Tôi cho rằng nếu xảy ra trường hợp thứ hai, nhiệm vụ khai dân trí vẫn có thể hoàn thành nhờ… trưng cầu dân ý.
Sau khi luật này được thông qua, việc đầu tiên cần đưa ra trưng cầu dân ý theo tôi là thành lập một Ủy ban đặc biệt của quốc hội, chỉ chuyên trách nhiệm vụ khai dân trí.
Một nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban này là tìm các nguyên nhân khiến cho đất nước ta, thống nhất hòa bình đã 40 năm, dân trí được nâng lên đáng kể nhưng vẫn ở mức “chưa đầy đủ”. Phải có ai đó chịu trách nhiệm, và quan trọng hơn biết được nguyên nhân vấn đề thì mới giải quyết được vấn đề.
Tuy vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của Ủy ban Dân trí phải là thực hiện tất cả các biện pháp có thể để nâng cao dân trí.
Công cụ quyền lực quan trọng nhất của Ủy ban là các quyết định do trưng cầu dân ý. Hoạt động của người trong Ủy ban phải công khai để dân theo dõi, nhân sự trong Ủy ban sẽ được thay thế mỗi năm một lần, tất cả đều dựa trên trưng cầu dân ý. Nếu có điều luật nào đó cản trở dân trí, Ủy ban có quyền đưa ra cho dân phúc quyết để sửa luật.
Chúng ta đều nói quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân cơ mà.
Vòng luẩn quẩn dân trí
Ý tưởng của tôi có lẽ chỉ mang tính chất … không tưởng, không hẳn bởi tôi cũng chỉ là một người dân bình thường mà có lẽ còn bởi sự vô lý của nó.
Ý kiến đó là vô lý, bởi muốn nâng cao dân trí thì phải nhờ công cụ trưng cầu dân ý. Mà muốn có công cụ trưng cầu dân ý, thì dân trí phải đủ cao.
Trước đây tôi đã nghe đến cái vòng luẩn quẩn “muốn mua nhà thì phải có hộ khẩu, muốn có hộ khẩu thì phải có sẵn nhà”. Ý kiến của tôi không khác gì cái vòng luẩn quẩn bế tắc đó,
Tôi có thể thoát khỏi cái vòng đó như thế nào?
Tôi sẽ nhờ các đại biểu quốc hội trả lời giùm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.