Báo cáo giải trình, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết dự án luật Phòng, chống rửa tiền có chuyên môn sâu, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng.
Vì vậy, chỉ những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong luật, nhưng vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt thì chỉ quy định nguyên tắc trong luật và giao Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước quy định, hướng dẫn chi tiết.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội |
gia hân |
So với dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội, sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ nguyên 4 chương, nhưng bỏ 1 điều và thêm 2 điều, 7 điều sửa đổi nội dung. Cụ thể, điều 3 sửa đổi khái niệm “rửa tiền”, bỏ khái niệm “tài sản” để áp dụng thống nhất với các luật có liên quan.
Điều 37 điều chỉnh thời gian báo cáo giáo dịch đáng ngờ từ 2 ngày lên 3 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch. Điều 42 điều chỉnh giảm thời hạn Ngân hàng nhà nước có trách nhiệm chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo kết quả đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương (APG) về phòng chống rửa tiền, quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn còn những thiếu hụt, không đáp ứng hoặc mới đáp ứng được một phần (27/40 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF)).
Với những thiếu hụt về khung khổ pháp lý và hiệu quả thực thi về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). Từ tháng 3.2022 - 3.2023, nếu không thể hiện được sự tiến bộ và cải thiện khuôn khổ pháp lý, Việt Nam sẽ bị đưa vào Danh sách các nước có thiếu hụt nghiêm trọng về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (gọi tắt là danh sách Xám).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với luật Phòng chống rửa tiền, dù không bảo đảm sẽ không bị đưa vào danh sách Xám, nhưng FATF sẽ ghi nhận nỗ lực này và cân nhắc không đưa Việt Nam vào danh sách.
Chưa luật hoá với tiền ảo, tài sản ảo
Trước đó, trong thảo luận có ý kiến đề nghị làm rõ hơn vì sao khuyến nghị của FATF vẫn chưa được thể chế hoá trong luật, bao gồm việc quản lý tài sản ảo và tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo. Đề nghị cân nhắc điều chỉnh tại dự thảo Luật về vấn đề rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố trong lĩnh vực.
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua luật Phòng, chống rửa tiền |
gia hân |
Giải trình ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, để phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, một số khuyến nghị như công nghệ mới (tài sản ảo), cá nhân có ảnh hưởng chính trị trong nước chưa đưa ngay vào dự thảo luật Phòng chống rửa tiền.
Đối với nội dung liên quan tài sản ảo, từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp là đầu mối, phối hợp các bộ ngành nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể thực trạng pháp luật về tài sản ảo, đề xuất hoàn thiện thể chế đối với vấn đề này. Hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu nên chưa có đủ cơ sở để quy định các loại hình mới này trong luật.
Song, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy việc mua bán, trao đổi các tài sản ảo tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro về rửa tiền cũng như rủi ro cho chính cá nhân tham gia. Do đó, dự thảo luật đã quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung.
Bình luận (0)