Tại phiên họp 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 7.2, ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đã đọc Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập 2 phường Tiền Châu, Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo phương án được nêu trong tờ trình, việc thành lập phường Tiền Châu trên cơ sở toàn bộ 7,14 km2 diện tích tự nhiên và 12.689 người của xã Tiền Châu. Việc thành lập phường Nam Viêm trên cơ sở toàn bộ 5,88 km2 diện tích tự nhiên và 8.489 người của xã Nam Viêm.
Việc thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở toàn bộ 120,13 km2 diện tích tự nhiên, 155.435 người và 10 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Phúc Yên (sau khi thành lập 2 phường Tiền Châu và Nam Viêm).
Theo Tờ trình của Chính phủ, sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 xã Tiền Châu và Nam Viêm trong những năm gần đây có những chuyển biến căn bản: cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ, tỉ trọng ngành nông nghiệp giảm mạnh, kéo theo sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu lao động. Hiện tại, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên địa bàn xã Tiền Châu chiếm 81,87%, xã Nam Viêm chiếm 83,97% tổng số lực lượng lao động.
Những thay đổi về kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hoá đã, đang đặt ra cho các xã này nhiều vấn đề cấp thiết trong quản lý cần giải quyết như: quản lý kinh tế; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư; phòng chống các tệ nạn; bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường.
tin liên quan
Vĩnh Phúc hủy dự án phá rừng phòng hộ làm nghĩa trangDo vậy, Tờ trình của Chính phủ khẳng định, việc thành lập 2 phường và thành phố là cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và thị xã Phúc Yên nói riêng.
Tại phiên họp, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra của đối với hồ sơ tờ trình thành lập 2 phường Tiền Châu, Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc của Chính phủ. Theo đó, 2 xã Tiền Châu, Nam Viêm đáp ứng 4/4 tiêu chuẩn của phường thuộc thị xã còn thị xã Phúc Yên đáp ứng 5/5 tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh.
Từ đó, Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng ý việc thành lập 2 phường Tiền Châu, phường Nam Viêm và thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau khi thành lập 2 phường và thành phố Phúc Yên, thành phố Phúc Yên có 120,13 km2, dân số 155.435 người với 10 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 8 phường và 2 xã.
Tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 thành phố và 7 huyện) và 137 đơn vị hành chính cấp xã (15 phường, 12 thị trấn và 110 xã).
Bình luận (0)