Lùi 3 lần vẫn chưa hoàn thành cải cách tiền lương
Theo nghị quyết, với khu vực doanh nghiệp (DN), Quốc hội (QH) thống nhất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1.7); đồng thời quy định về cơ chế tiền lương với DN nhà nước (áp dụng từ 1.1.2025).
Với khu vực nhà nước, QH thống nhất chưa bỏ lương cơ sở theo Nghị quyết 27 năm 2018 của T.Ư Đảng về cải cách chính sách tiền lương. Đồng thời, thực hiện tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ 1.7. Đối với cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở T.Ư, QH yêu cầu rà soát để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù trước ngày 31.12.
QH cũng quyết nghị, từ ngày 1.7, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp BHXH hiện hưởng (tháng 6.2024). Cùng với đó, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng.
Tại họp báo công bố kết quả kỳ họp sáng cùng ngày, giải thích lý do lương công chức, viên chức tăng 30% nhưng lương hưu chỉ được điều chỉnh tăng 15%, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội QH Đặng Thuần Phong cho biết mức lương hưu tăng liên tục thời gian qua trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán của Ban Chỉ đạo T.Ư về cải cách tiền lương thì lần này lương hưu chỉ tăng 11,5% là ngang bằng lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức tăng 30%. Sau khi cân nhắc, Ban Chỉ đạo T.Ư về cải cách tiền lương quyết định tăng từ 11,5% lên 15%.
Trả lời về lộ trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách tổng thể theo Nghị quyết 27 của T.Ư Đảng, ông Phong thừa nhận Nghị quyết 27 yêu cầu thực hiện cải cách tiền lương từ 2021 đã lùi 3 lần và tới lần này "vẫn chưa hoàn thành".
Theo ông Phong, Ban Chỉ đạo T.Ư về cải cách tiền lương đã họp 24 - 25 cuộc, cuối cùng thống nhất thực hiện 4 nội dung đã rõ, còn 2 nội dung chưa thể làm. Trong đó, đặc biệt là vấn đề xây dựng các bảng lương mới theo vị trí việc làm chức danh, chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Quá trình thực hiện cho thấy xác định vị trí việc làm chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và phát sinh nhiều vướng mắc như với lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sắp xếp lại chế độ phụ cấp cũng có nhiều vướng mắc phát sinh, chưa có sự tương thích, đồng bộ giữa đối tượng…
Cạnh đó, nếu bỏ lương cơ sở thì phải sửa hơn 20 quy định, văn bản của Đảng, Nhà nước có liên quan nhưng đến giờ vẫn đang rà soát, Chính phủ chưa thể trình để đưa vào chương trình xây dựng luật, giúp thực hiện đồng bộ cải cách tiền lương. Chưa kể về nguồn lực, Chính phủ dự kiến cần 913.000 tỉ đồng cho tới năm 2026 để thực hiện điều chỉnh tăng lương lần này. "Từ năm 2026 về sau, nguồn lực thế nào vẫn chưa xác định được", ông Phong cho hay.
Ổn định thị trường vàng, khắc phục bệnh sợ trách nhiệm
Tại Nghị quyết kỳ họp 7, QH cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra; có giải pháp phù hợp, khả thi khắc phục các tồn tại, hạn chế, quyết liệt phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu KT-XH năm 2024. Cùng đó, QH cũng yêu cầu Chính phủ thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp quản lý thị trường vàng; bảo đảm thị trường vàng ổn định, lành mạnh. Đẩy mạnh hỗ trợ, phục hồi thị trường du lịch; có giải pháp phù hợp bảo vệ và bảo đảm số lượng máy bay, năng lực khai thác của các hãng hàng không trong nước.
QH cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; hoàn thiện thể chế, quy định về chế độ, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; tập trung hoàn thiện thể chế để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức.
QH cũng quyết nghị tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (từ 10% xuống 8%) tới hết năm 2024 với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Các lĩnh vực tiếp tục không được giảm thuế này gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
QH cũng đồng ý cho phép cho phép Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) được gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỉ đồng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả nợ với khoản vay 4.000 tỉ đồng của Vietnam Airlines. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa 5 năm (gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết 135 của QH).
QH cũng cho phép sử dụng 18.220 tỉ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách T.Ư của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách T.Ư 2023. QH đồng ý cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án từ nguồn ngân sách nói trên. Đồng thời, cho phép cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và mức vốn dự kiến bố trí cho dự án từ nguồn vốn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2023, nguồn vốn giai đoạn 2026 - 2030 để hoàn thiện thủ tục đầu tư với 4 dự án: sân bay Gia Bình; xây dựng mới trụ sở TAND tối cao tại 262 Đội Cấn (TP.Hà Nội); đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng trụ sở TAND các cấp; dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.
Đất nước sẽ vượt qua khó khăn, thách thức
Phát biểu bế mạc kỳ họp 7 QH khóa XV, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho biết kỳ họp 7 có khối lượng nội dung xây dựng pháp luật nhiều nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay với 11 luật, 21 nghị quyết được thông qua. QH cũng cho ý kiến 11 dự án luật và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác. Cũng tại kỳ họp, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. QH đã tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Phó chủ tịch QH, ủy viên Ủy ban Thường vụ QH; phê chuẩn bổ nhiệm Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an… đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu QH.
QH đề nghị Chính phủ, các cơ quan, tập trung chỉ đạo, khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết vừa được kỳ họp thứ 7 thông qua. Chủ tịch QH cũng bày tỏ tin tưởng, đất nước sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nhiều chính sách mới về BHXH
Cùng ngày, QH thông qua luật BHXH sửa đổi, có hiệu lực từ 1.7.2025, với nhiều chính sách mới liên quan đến BHXH. Trong đó, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần. Trường hợp tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được rút BHXH một lần. Đồng thời, luật quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng, không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Điều này tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như hiện hành) để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần.
Luật BHXH sửa đổi còn sử dụng "mức tham chiếu" thay cho "mức lương cơ sở". Khi mức lương cơ sở chưa bãi bỏ thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở. Khi mức lương cơ sở bãi bỏ, mức tham chiếu sẽ được điều chỉnh dựa trên các yếu tố chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, khả năng ngân sách nhà nước, quỹ BHXH.
Ngoài ra, công dân VN từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng (trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ) hoặc đối tượng là công dân VN từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Bình luận (0)