Tại buổi làm việc, đại diện nhiều DN đã nêu ý kiến, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án nhà ở và kinh doanh BĐS mà họ đang gặp, như chính sách về nhà ở xã hội, cho thuê nhà lưu trú, thẩm định năng lực tài chính, quy hoạch…
Theo đại diện của Kim Oanh Group, hiện có nhiều chủ đầu tư dự án đã triển khai theo quy hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên, do dự án mà chủ đầu tư đang có quyền sử dụng đất chưa phải đất ở dẫn đến không thể triển khai các bước tiếp theo.
Vì vậy đại diện Kim Oanh Group mong Quốc hội sớm ban hành nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất không phải là đất ở, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Dự án được thực hiện cũng góp phần đáp ứng nhu cầu về an cư của người dân cũng như thu ngân sách từ tiền chuyển mục đích sử dụng đất, thuế của DN, người lao động, thuế phi nông nghiệp hàng năm...
Về thẩm định năng lực tài chính theo quy định của luật Kinh doanh bất động sản 2023, đại diện của Kim Oanh Group cho rằng, hiện nay, thực trạng khi các chủ đầu tư thực hiện đồng thời nhiều dự án có thể chứng minh được năng lực tài chính nếu thẩm định dựa trên dòng vốn của nhà đầu tư. Còn thẩm định trên vốn chủ sở hữu thì các chủ đầu tư điều rơi vào tình huống không đủ năng lực và thực hiện thủ tục tăng vốn, điều chỉnh giấy đăng ký kinh doanh và các thủ tục khác mới có thể chứng minh được.
Đại diện Kim Oanh Group mong muốn đối với chủ đầu tư thực hiện nhiều dự án sẽ được thẩm định năng lực tài chính dựa trên dòng vốn của chủ đầu tư, không thẩm định trên vốn chủ sở hữu.
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương kiến nghị, việc quy định về đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định hiện nay còn nhiều điểm chưa hợp lý gây khó khăn trong việc mua nhà ở xã hội rất mong được Quốc hội tháo gỡ.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết sẽ ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của địa phương và các DN để có báo cáo cho Quốc hội xem xét, quyết định.
Bình luận (0)