Quốc hội muốn sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản

15/11/2022 16:08 GMT+7

Quốc hội cho rằng cần đẩy nhanh nghị quyết về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản, thu nhập.

Với 486/488 ý kiến tán thành, chiều nay 15.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV. Theo đó, Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết của Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng Xây dựng, TT-TT, Nội vụ và Tổng thanh tra Chính phủ cùng các thành viên khác của Chính phủ tại phiên chất vấn.

Quốc hội đề nghị khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

gia hân

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

100% vụ có dấu hiệu tội phạm phải chuyển cơ quan điều tra

Với lĩnh vực thanh tra, Quốc hội đề nghị khẩn trương triển khai thực hiện luật Thanh tra (sửa đổi), kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết; có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực để đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản.

Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền; chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét xử lý theo quy định của Đảng...

Phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, bảo đảm sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá 1 lần/năm về cùng 1 nội dung đối với 1 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Quốc hội cũng đề nghị xây dựng Cơ sở dữ liệu về thanh tra.

Đồng thời, yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Sau 2025, số hoá toàn bộ kiểm soát tài sản, thu nhập

Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số. Sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với bộ, ngành trung ương làm cơ sở để thống nhất đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Nâng cấp, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, bảo đảm kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc và liên thông trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết với lĩnh vực thanh tra, có ý kiến đề nghị bỏ nội dung có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực yên tâm công tác đối với đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là một trong các giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Nghị quyết.

Vấn đề tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của cơ quan thanh tra; cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập tại phiên chất vấn, nên đã được cân nhắc bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.

Đặc biệt, liên quan đến xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập để phù hợp với việc bố trí nguồn lực đầu tư của ngân sách nhà nước theo các quy định của pháp luật liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg tháng 3.2022 phê duyệt Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu này như trong Nghị quyết là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay.

Đặc biệt, có đề xuất cân nhắc bỏ yêu cầu “không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá 1 lần/năm về một nội dung đối với 1 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” do vấn đề này đã được khắc phục trong nhiều năm qua. Cho ý kiến giải trình, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng đã nêu ra tồn tại này, cần tiếp tục có giải pháp khắc phục thời gian tới, do đó sẽ giữ nguyên quy định như dự thảo Nghị quyết.

Không bổ sung cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển đảo

Một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai, trọng tâm là cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia.Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia không thuộc Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai.

Thời gian tới, để tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, Chính phủ cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu ưu tiên, trong đó đã bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; do đó sẽ không bổ sung nội dung trên trong Nghị quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.