Quốc hội Mỹ sẽ nâng trần nợ để tránh 'thảm họa tài chính' toàn cầu?

02/02/2023 20:20 GMT+7

Mỹ đang đứng trước sức ép nâng trần nợ để tránh thảm họa cho chính nước này lẫn nền kinh tế toàn cầu.

Vào tháng 1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết nước này đã chạm mức trần nợ công 31.400 tỉ USD và chính phủ cần phải thực hiện "các biện pháp đặc biệt" để tránh nguy cơ vỡ nợ vào sớm nhất là tháng 6, theo hãng tin AP.

Với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, việc Mỹ vỡ nợ có tác động tiêu cực đến không chỉ nước này mà còn tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào thời điểm mà hầu hết các quốc gia chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại, theo tờ The New York Times.

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ

Ảnh chụp màn hình The New York Times

Trần nợ là gì?

Được quốc hội Mỹ thiết lập vào năm 1917, trần nợ là giới hạn về tổng số tiền mà chính phủ có thể vay để thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Trần nợ được xây dựng để hạn chế việc các cơ quan chính phủ chi tiêu thiếu kiểm soát.

Theo Hiến pháp Mỹ, chỉ quốc hội mới được phép ấn định số tiền mà chính phủ có thể vay và điều này được thực hiện thông qua một cuộc bỏ phiếu. Trong cuộc lấy ý kiến gần nhất được tiến hành hồi tháng 12.2021, trần nợ đã được ấn định ở mức 31.400 tỉ USD.

Để tránh nguy cơ vỡ nợ, quốc hội Mỹ cần thống nhất nâng trần nợ. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với quốc hội, nhất là trong bối cảnh lưỡng viện Mỹ đang chia đôi quyền lực. Đảng Cộng hòa, phe nắm Hạ viện, đang sử dụng mối đe dọa vỡ nợ để buộc phe Dân chủ, những người đang kiểm soát Thượng viện chấp nhận cắt giảm ngân sách, theo đài CNN.

Điều gì xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ?

Nếu vỡ nợ, chính phủ sẽ không thể vay thêm tiền mà phải lựa chọn thanh toán các khoản chi tiêu theo mức độ ưu tiên. Khả năng này sẽ lập tức đẩy Mỹ vào suy thoái, theo The New York Times.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói kịch bản vỡ nợ sẽ "gây ra tác hại không thể khắc phục được đối với nền kinh tế Mỹ, sinh kế của tất cả người Mỹ và "chắc chắn" sẽ gây ra suy thoái, dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo CNN.

"Nó chắc chắn sẽ làm suy yếu vai trò của đồng USD như một loại tiền dự trữ được sử dụng trong các giao dịch trên toàn thế giới. Và đối với người Mỹ, nhiều người sẽ mất việc làm và chắc chắn chi phí đi vay của họ sẽ tăng lên", bà nói thêm.

Hơn một nửa dự trữ ngoại tệ của thế giới là bằng đồng USD. Vì thế, việc đồng tiền này đột ngột giảm giá có thể tác động lớn đến thị trường trái phiếu toàn cầu. Đối với các quốc gia đang nợ nước ngoài, sự suy yếu của đồng USD có thể khiến các khoản nợ bằng các đơn vị tiền tệ khác trở nên đắt đỏ hơn và có nguy cơ đẩy một số nền kinh tế mới nổi vào khủng hoảng nợ, theo đài al-Jazeera.

Ông Gregory Daco, nhà kinh tế thuộc công ty tư vấn chiến lược toàn cầu EY Parthenon (Mỹ), ước tính sản lượng kinh tế Mỹ có thể sụt giảm 5% nếu tình hình không được giải quyết. Sự sụt giảm này sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đã được dự đoán sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm nay.

Chia sẻ với phóng viên CNN, ông Jan Hatzius, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs, nhận định nếu quốc hội không dỡ bỏ trần nợ kịp thời, các nhà đầu tư sẽ lo lắng về khả năng chậm thanh toán trái phiếu của kho bạc Mỹ - cơ quan được cho là "tài sản quan trọng nhất trong nền kinh tế toàn cầu". Các chuyên gia tại Goldman Sachs ước tính việc chạm trần nợ sẽ ngay lập tức làm đình trệ khoảng 1/10 hoạt động kinh tế của Mỹ.

Theo các chuyên gia tài chính tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, chỉ riêng nguy cơ vỡ nợ cũng tác động tiêu cực đến hoạt động ở các lĩnh vực khác. Những điều này sẽ cản trở quá trình chính phủ tài trợ cho các hoạt động quốc phòng, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội. Ngoài ra, nó cũng khiến người dân Mỹ mất lòng tin vào sự quản lý của chính phủ, theo The New York Times

Triển vọng quốc hội nâng trần nợ

Ngày 1.2, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã có cuộc thảo luận đầu tiên về việc nâng trần nợ. Sau buổi thảo luận với ông Biden, ông McCarthy cho biết hai bên có thể tìm thấy tiếng nói chung, song cuộc thảo luận "không có dấu hiệu đột phá ngay lập tức", theo hãng tin Reuters.

Dù vậy, khả năng Hạ viện đồng ý nâng trần nợ vẫn còn bỏ ngỏ. Trong cuộc họp kín giữa các thành viên Hạ viện ngày 1.2, nhiều nhà lập pháp không tin rằng việc nâng trần nợ là điều nên làm. Một số người theo đường lối cứng rắn về tài chính trong Hạ viện đã nói rõ rằng họ chấp nhận viễn cảnh vỡ nợ nếu như chính phủ không cắt giảm chi tiêu, theo đài CNBC.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.