(TNO) Các nhà lập pháp Mỹ hôm 20.1 đã ngưng vô thời hạn việc bỏ phiếu thông qua hai dự luật chống vi phạm bản quyền, mang đến chiến thắng ấn tượng cho các hãng công nghệ internet vốn tổ chức một cuộc biểu tình trực tuyến chưa có tiền lệ trong tuần này.
Thủ lĩnh phe đa số ở Thượng viện Harry Reid (thuộc đảng Dân chủ) thông báo ông sẽ hoãn cuộc bỏ phiếu quan trọng được lên lịch vào ngày 24.1 “dưới ánh sáng của những sự kiện gần đây”, theo Reuters.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Lamar Smith (thuộc đảng Cộng hòa) cũng khẳng định ủy ban của ông sẽ hoãn quá trình xúc tiến thông qua một dự luật tương tự cho đến khi có được sự đồng thuận rộng rãi hơn đối với về vấn đề kể trên.
Hai dự luật, bao gồm Đạo luật Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (PIPA) và Đạo luật chấm dứt vi phạm bản quyền trên mạng (SOPA), có mục tiêu hạn chế việc truy cập vào những website nước ngoài vốn quảng bá những nội dung vi phạm bản quyền, như phim ảnh và âm nhạc lậu.
Các dự luật là ưu tiên hàng đầu của các công ty trong ngành giải trí và xuất bản vốn cho rằng việc ngăn chặn vi phạm bản quyền trên mạng là điều sống còn.
Tuy nhiên, các hãng công nghệ lo ngại dự luật sẽ làm xói mòn quyền tự do internet, cũng như rất khó để thực thi và dẫn tới việc lan tràn các vụ kiện tụng, tranh chấp.
Dư luận về hai dự luật đã thay đổi trong những tuần gần đây khi những "ông lớn" trên mạng như Wikipedia vào cuộc. Trong khi đó, Google, Facebook và Twitter cũng thực hiện những động thái phản đối song không tham gia “đình công”.
Cuộc biểu tình nhanh chóng thu được kết quả khi vài nhà bảo trợ dự luật, bao gồm các thượng nghị sĩ Roy Blunt, Chuck Grassley, Orrin Hatch, John Boozman và Marco Rubio đã lên tiếng rút lại sự ủng hộ.
Trong thông báo ngắn hôm 20.1, thượng nghị sĩ Reid nói không có lý do gì mà những lo ngại về dự luật lại không thể được giải quyết.
Sơn Duân
>> Tại sao thế giới internet chống SOPA?
>> Megaupload bị đóng cửa, tin tặc tấn công FBI
>> Wikipedia đóng cửa một ngày để biểu tình
Bình luận (0)