Quốc hội quyết định không thành lập thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp tư

10/11/2022 09:20 GMT+7

Doanh nghiệp tư nhân sẽ không cần lập ban thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp theo luật Thực hiện dân chủ cơ sở vừa được Quốc hội thông qua.

Sáng 10.11, Quốc hội thông qua dự thảo luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội thông qua với 443 đại biểu tán thành (88,96% tổng số đại biểu).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

gia hân

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Ông Tùng cho hay, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng: luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước (các doanh nghiệp tư nhân) thì thực hiện theo các quy định chung tại luật này; đồng thời dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc.

“Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết bộ luật Lao động và các quy định khác có liên quan làm cơ sở để các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả”, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay.

Chủ tọa kỳ họp Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua luật Thực hiện dân chủ cơ sở

gia hân

Về việc thành lập ban thanh tra nhân dân, dự thảo luật theo hướng tiếp tục quy định việc thành lập ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

Không quy định về thành lập ban thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước.

Ngoài ra, do vấn đề đổi tên của chế định này chưa nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao nên dự thảo giữ nguyên tên gọi là “Ban Thanh tra nhân dân” như hiện hành, nhưng chức năng, nhiệm vụ của ban này gồm kiểm tra, giám sát như ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Trước đó, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về 2 vấn đề trên.

Kết quả trên 60% trong số 432 đại biểu Quốc hội trả lời (trên 50% tổng số đại biểu) không tán thành việc áp dụng các quy định của luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như thành lập ban thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp tư nhân.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.