Sáng 27.11, với 449/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XV thông qua luật Phòng không nhân dân. Luật này sẽ có hiệu lực kể từ 1.7.2025.
Trang bị vũ khí có tầm bắn trên 5.000 m
Theo định nghĩa của luật, phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân do bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và quân nhân dự bị làm nòng cốt, cùng với phòng không quốc gia, phòng không lục quân và các lực lượng khác chuẩn bị, ngăn ngừa, phòng tránh, đánh địch, khắc phục hậu quả địch đột nhập, tiến công đường không trong khu vực phòng thủ, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc.
Một trong những nhiệm vụ phòng không nhân dân là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch đột nhập, tiến công đường không và tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m.
Quá trình xây dựng luật, có ý kiến đề nghị bổ sung phạm vi quản lý của phòng không nhân dân lên trên 5.000 m để đảm bảo tình hình an ninh, trật tự, quốc phòng tại địa phương. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị hạ độ cao xuống dưới 3.000 m, vì vũ khí trang bị cho lực lượng phòng không nhân dân không thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao trên 5.000 m.
Giải trình về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, độ cao dưới 5.000 m được quy định dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng phòng không nhân dân và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không.
Hiện nay, lực lượng phòng không nhân dân đã được trang bị vũ khí có tầm bắn trên 5.000 m; được trang bị các phương tiện trinh sát phòng không đủ khả năng quan sát, phát hiện được mục tiêu ở độ cao dưới 5.000 m.
Vì vậy, lực lượng phòng không nhân dân đủ khả năng tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m.
Phù hợp với truyền thống "toàn dân đánh giặc"
Vẫn theo quy định tại luật vừa được thông qua, lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân gồm lực lượng nòng cốt (bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên) và lực lượng rộng rãi.
Trong đó, lực lượng rộng rãi gồm lực lượng được huy động (dân quân tự vệ, quân nhân dự bị, tổ chức, cá nhân…) và lực lượng tự nguyện do quần chúng nhân dân tham gia.
Với trường hợp huy động, độ tuổi tham gia lực lượng rộng rãi thực hiện theo quy định về độ tuổi của dân quân tự vệ. Riêng với trường hợp tự nguyện tham gia và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì không giới hạn về độ tuổi.
Quá trình xây dựng luật, có ý kiến đề nghị quy định giới hạn độ tuổi kéo dài đối với lực lượng tự nguyện tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, luật Phòng không nhân dân không quy định về giới hạn độ tuổi cũng như kéo dài độ tuổi của lực lượng tự nguyện tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.
Điều này nhằm phù hợp với truyền thống "toàn dân đánh giặc" của nhân dân Việt Nam, phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Tàu bay không người lái dưới 0,25 kg được miễn cấp phép bay
Luật Phòng không nhân dân quy định tàu bay không người lái hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay; phạm vi hoạt động trong tầm nhìn trực quan bằng mắt thường; có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25 kg để phục vụ vui chơi giải trí thì được miễn cấp phép bay.
Quá trình xây dựng luật, có ý kiến đề nghị cần xác định tầm nhìn trực quan bằng mắt thường ở một người bình thường có khoảng cách trung bình là bao nhiêu để quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể hơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, phương tiện bay có trọng lượng cất cánh dưới 0,25 kg là phương tiện bay siêu nhỏ, độ cao bay thực tối đa không quá 50 m, tốc độ bay ở mức tối đa không quá 40 km/h.
Đồng thời, thiết bị phát sóng vô tuyến đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tầm ngắn sử dụng công suất nhỏ, là phương tiện bay được điều khiển bằng tay, chủ yếu phục vụ mục đích vui chơi giải trí (người điều khiển phải nhìn thấy phương tiện bay bằng mắt thường để điều khiển).
Do đó, luật quy định như đã nêu là phù hợp, và giao Chính phủ quy định chi tiết về các quy định này.
Bình luận (0)